Khám phá khảo cổ học "động trời" năm 2011
Ngôi mộ thuyền của chiến binh Viking, bộ xương Nữ hoàng Maya 2000 năm tuổi, đấu trường La Mã, trung tâm sinh hoạt cộng đồng thời kỳ đồ đá mới… là những khám phá khảo cổ học quan trọng năm 2011 do tạp chí Khảo cổ học bình chọn.
1. Ngôi mộ thuyền của người Viking - Ardnamurchan, Scotland

Một ngôi mộ thuyền 1.000 năm tuổi của cướp biển Viking huyền thoại đã được phát hiện trong năm nay trên bờ biền Ardnamurchan, miền tây Scotland. Các đồ tạo tác chôn trong chiếc thuyền chứng tỏ người này là một chiến binh cấp cao. Chiếc thuyền dài hơn 5m. Tại đây, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một cái rìu, một thanh kiếm với phần cán được trang trí khá đẹp mắt, một cái giáo, một tấm khiên chắn, một chiếc ghim bằng đồng và đồ gốm. Ngoài ra còn có hai chiếc răng và một số mảnh xương sót lại. Đây là ngôi mộ thuyền chôn cướp biển Viking nguyên vẹn đầu tiên từng được tìm thấy.

Tiến sĩ Hannah Cobb đến từ Đại học Manchester cho biết cách mai táng này thường chỉ dành cho những nhân vật quan trọng.


Những di vật được chôn trong mộ. (Nguồn: BBC)

2. Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thời kỳ đồ đá mới - Wadi Faynan, Jordan

Việc phát hiện ra phần còn lại của một cấu trúc rộng 1370m2 tại khu vực phía nam Wadi Faynan, Jordan đã giúp các nhà khoa học xác định được ý nghĩa của các công trình kiến trúc trong lịch sử, khi mà loài người chuyển từ giai đoạn săn bắt hái lượm sang giai đoạn ít vận động hơn.

Cấu trúc này có hình bầu dục, được gọi đơn giản là O75, có thể là khoảng không gian dành cho các cuộc gặp gỡ chung của cộng đồng. 11.700 năm trước, theo Bill Finlayson - giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Anh tại Levant, “người ta xây dựng nó bằng một hỗn hợp bùn rất kiên cố”.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện những chiếc cối giã dùng để xay hoặc nghiền, cho thấy đây là khu vực công cộng chuyên chế biến các loại thực vật như hạt lúa mạch hay quả hồ trăn.

3. Hóa thạch Australopithecus sediba 2,2 triệu năm tuổi - Malapa, Nam Phi

Hóa thạch 2,2 triệu năm tuổi của sinh vật có tên Australopithecus sediba được phát hiện trong một hang động ở Nam Phi góp phần cung cấp hiểu biết mới về quá trình tiến hóa của loài người.

Những dấu hiệu ở phần não, xương chậu, bàn tay và bàn chân của loài này cho thấy chúng chính là họ hàng lâu đời của chúng ta cả về những đặc tính nguyên thủy cũng như những đặc điểm giống con người hiện đại. Tiếp tục tiến hành nghiên cứu, nhóm khoa học nhận thấy một lớp khoáng chất mỏng có thể là phần còn lại của da.

Phát hiện này đã nhận được sự quan tâm của giới khoa học trên toàn thế giới. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang làm việc với một nhà khoáng vật học từ Đại học Oslo, Na Uy, để kiểm tra cấu trúc “da” bằng kính hiển vi điện tử giúp cung cấp thông tin về màu da, mái tóc và các tuyến mồ hôi của A. sediba.

4. Những con chó được thuần hóa đầu tiên - Predmosti, Cộng hòa Séc

Trước đây, các nhà khoa học luôn cho rằng loài chó được thuần hóa vào khoảng 14.000 năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này xảy ra sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ đó, Rob Losey, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Alberta phát biểu.

Mietje Germonpré, một nhà cổ sinh vật học tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, cho biết những hộp sọ khoảng 31.500 năm được khai quật có những dấu hiệu khác biệt với loài chó sói tổ tiên của chúng như mõm ngắn hơn, hộp sọ và vòm miệng rộng hơn.

Những con chó này được cho là khá to lớn, với trọng lượng cơ thể ước tính khoảng hơn 30kg và chiều cao tính đến vai ít nhất là 60cm, chúng được sử dụng để vận chuyển thịt, xương, ngà voi ma mút và củi.

5. Bộ xương Nữ hoàng Maya 2000 năm tuổi - Nakum, Guatemala


Đầu của Nữ hoàng được đặt một cách bí ẩn giữa hai chiếc chậu gỗ. (Ảnh: Daily Mail)

Theo các nhà khoa học, ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba sau CN được tìm thấy tại di chỉ Nakum ở đông bắc Guatemala có thể là của hoàng hậu Maya với phần đầu được đặt giữa hai cái bát một cách bí ẩn. Đặc biêt, ngôi mộ này lại nằm bên dưới một lăng mộ khác có tuổi đời ít hơn – khoảng 1300 năm.

Tại đây, những chiếc vòng ngọc, hạt ngọc vô giá và những con dao dùng cho nghi lễ cũng đã được phát hiện. Hiện vật và vị trí ngôi mộ cho thấy đây là lăng tẩm của một triều đại hoàng gia kéo dài nửa thiên niên kỷ.

6. Đấu trường La Mã - Carnuntum, Áo

Sử dụng công nghệ radar tìm kiếm dưới mặt đất (GPR), các nhà nghiên cứu đến từ Viện LBI-ArchPro đã phát hiện một đấu trường nằm trong lòng đất tại thành phố La Mã ở Áo.

Khoảng 1.700 năm trước, đấu trường Carnuntum là một phần của thành phố 50.000 dân.

Tổ hợp này gồm sân, 40 phòng ngủ nhỏ hẹp dành cho võ sĩ, một phòng huấn luyện, khu nhà ở và một nghĩa trang. Các hình ảnh có độ phân giải cao cũng cho thấy một hệ thống sưởi ấm dưới nền nhà, khu vực tắm rửa rộng rãi.

“Nơi đây là sự kết hợp của trại lính và nhà tù. Các đấu sĩ thường là tội phạm, tù binh và nô lệ”, đại diện Bảo tàng Roemisch-Germanisches Zentral nhận xét. Võ sĩ sống sót sau các cuộc đâm chém đẫm máu sẽ được tung hô và có thể được trả tự do.

7. Món súp 2.400 năm tuổi - Thiểm Tây/Tân Cương, Trung Quốc

Tại ngôi mộ cổ từ hơn hai nghìn năm trước ở Thiểm Tây, Trung Quốc, nhóm khảo cổ đã tìm thấy phần còn lại của món súp xương chó được bảo quản khá tốt trong chiếc bình bằng đồng và nồi đất sét chôn cùng với người chết.
Các cổ vật được phát hiện khi người ta tiến hành dọn dẹp ngôi mộ thời Chiến quốc (475-221 trước CN) để xây dựng sân bay quốc tế.

Theo các chuyên gia, kiểu xây mộ và các vật dụng bên trong cho thấy ngôi mộ được xây vào thời nhà Tần và chủ nhân của nó là một nhân vật quan trọng thời đó. Họ hy vọng có thể sớm tái tạo được bữa ăn của người xưa.

8. Chiến tranh hình thành nên Nhà nước – Titicaca, Peru

Tại khu vực phía bắc hồ Titicaca ở Peru, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Charles Stanish đến từ Đại học California, Los Angeles đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chiến tranh đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành các quốc gia đầu tiên.

Bằng chứng là một lớp tro và các mảnh vỡ tại khu dân cư là nơi ở của những người có địa vị xã hội cao được gọi là Taraco, một trong hai trung tâm chính trị lớn nhất trong khu vực. Vào thời gian này, người Pukara định cư gần đó cũng đã mở rộng lãnh thổ của mình ít nhất là 60 dặm.

Đặt tất cả các bằng chứng với nhau, Stanish giả định rằng người Pukara đã tấn công và phá hủy Taraco.

Sau hai thiên niên kỷ cùng tồn tại, chiến tranh đã xuất hiện trên lưu vực Titicaca. Quá trình hợp tác giữa các nền văn hóa là con đường dễ dẫn đến thành công, nhưng đôi khi những cuộc xung đột mới là cách hợp lý và hiệu quả trong việc phân chia nguồn tài nguyên, từ đó hình thành nên các quốc gia độc lập.


Nhiều chiếc bình lớn dùng để biến nước mắt cá voi thành dầu lửa được tìm thấy.

9. Xác con tàu bị chìm năm 1823 – Hawaii

Năm nay, các nhà khảo cổ học hàng hải Mỹ đã tìm thấy xác con tàu săn cá voi Two Brothers trong vùng lãnh hải nông ngoài khơi Hawaii. Nó bị chìm vào năm 1823 khi đụng phải vỉa đá ngầm. Con tàu này có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học. Nó thuộc về người thuyền trưởng đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết kinh điển thế kỷ 19 của Herman Melville, Moby Dick. 

10. Tác động của Mùa xuân Ả Rập đối với khảo cổ học - Libya / Ai Cập

Không có cuộc tranh luận nào trong 2011 có thể kết thúc mà không liên quan đến cái gọi là Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring - làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia thuộc thế giới Ả Rập).

Hiện tượng chính trị này đã gây ra những tác động nhất định đến lĩnh vực khảo cổ học thời điểm hiện tại và trong nhiều năm tới.

Tại Libya, một nhà báo Nga đưa tin những tên trộm đã tiến hành cướp bóc tại bảo tàng quốc gia và NATO đã ném bom các khu vực La Mã cổ đại của Leptis Magna và Sabratha. Vào cuối tháng 9, ba người đến từ Blue Shield, một tổ chức phi lợi nhuận có liên quan tới việc bảo vệ di sản văn hóa trong các khu vực xung đột, đi đến phía tây Libya và thấy Leptis Magna vẫn còn nguyên vẹn. Khu vực Sabratha cũng chỉ bị thiệt hại nhỏ.

Nhìn chung, theo báo cáo của Blue Shield, họ không tìm thấy bằng chứng cướp bóc tại các điểm khảo cổ mà họ đến thăm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là “các hiện vật đã bị lén đưa ra khỏi đất nước thông qua Ai Cập”, ông Ray Bondin, đại sứ UNESCO ở Malta cho biết.

Ở Ai Cập, sau cuộc cách mạng nổ ra vào cuối tháng Giêng, Zahi Hawass - Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, cho biết tất cả các điểm khảo cổ và đồ tạo tác đều được an toàn. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Bọn trộm cướp đã tấn công vào hàng chục điểm khảo cổ và phá vỡ các kho chứa trong cả nước. Những tên tội phạm đập vỡ một cửa sổ của Bảo tàng Ai Cập và đột nhập trong đêm 28/1 - thời điểm mà thành phố Cairo hỗn loạn vì cuộc biểu tình chống chính phủ. Bảo tàng Ai Cập nằm gần quảng trường Tahrir, trung tâm của cuộc biểu tình.
(Nguồn: Báo Đất Việt )