Thu tiền tỷ từ cây “ngũ quả”
Khoảng hơn một tháng nay, vườn cây “ngũ quả” của ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào thăm quan, đặt hàng để mua được một cây bưởi có thể “đẻ” được thêm bốn loại quả khác là phật thủ, cam, quýt, quất.
Dù đây không phải là lần đầu xuất hiện trên thị trường, nhưng vườn cây “ngũ quả” của ông Giáp vẫn được nhiều người coi là hàng “độc” để làm quà biếu hoặc trang trí tại nhà dịp Tết cổ truyền.
Ông Giáp hồ hởi nói với chúng tôi: “Năm nay, nhà tôi ghép được khoảng hơn 130 cây. Dù còn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm này đã có khách đặt cọc và mua gần 80 cây.
Giá của mỗi cây “ngũ quả” từ 8 đến 25 triệu đồng, tùy từng cây có hình dáng, nhiều hay ít quả. Những cây to, dáng đẹp, được chăm sóc công phu thì có giá cao hơn các cây khác. Những năm trước, vườn cây “ngũ quả” độc đáo này đã giúp ông thu về ước chừng hơn 1,5 tỷ.
“Khách hàng “để mắt” tới những cây to lớn này thường là “khách sộp” nên rất hào phóng khi mua hàng. Mình phát giá bao nhiêu họ lấy giá đó chứ không mặc cả. Tính sơ sơ chưa trừ chi phí thì năm nay nhà tôi đã thu được khoảng trên dưới một tỷ đồng từ vườn cây ngũ quả này” - ông Giáp bật mí.
Ông Giáp (bên phải) giới thiệu cho khách hàng về cây “ngũ quả”.
Được biết, ông Giáp bắt đầu thử nghiệm ghép cây “ngũ quả” từ năm 2009. Sau hai năm “học việc” và đúc rút kinh nghiệm, ông đã đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên vào năm 2011. Được nhiều người tìm mua, ông dần mở rộng diện tích, trồng xen canh nhiều loại cây quả phục vụ cho ghép quả.
Hiện nay, ngoại trừ phật thủ, các loại quả khác như chanh đào, bưởi, cam canh, quất, ông đều có sẵn trong vườn.
Anh Nguyễn Văn Phong (huyện Gia Lâm, Hà Nội), một khách hàng quen của ông Giáp cho biết: “Năm ngoái tôi mua cây “ngũ quả” của bác Giáp về chơi Tết khiến mọi người thích lắm vì nó mang ý nghĩa tốt đẹp, gắn liền với tục thờ mâm ngũ quả vào ngày Tết của người Việt Nam, là biểu tượng cho sự hòa hợp, gắn bó, sum vầy. Sau khi chơi xong mấy ngày Tết còn được ăn trái. Mặc dù các quả đều được ghép từ khi mới kết trái, được nuôi từ cùng một cây nhưng ở mỗi loại quả vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng. Năm nay, tôi phải đến sớm đặt trước để có được một cây theo ý mình”.
Ông Giáp cho biết thêm, trái cây “ngũ quả” vườn nhà ông trồng hoàn toàn tự nhiên, không phun các loại thuốc kích thích độc hại. Nếu khách còn chưa tin tưởng, ông sẵn sàng ăn thử.
Hiện trong vườn còn hơn 50 cây “ngũ quả” nữa chưa được bán nhưng ông Giáp nhẩm tính đến khoảng gần ngày ông Công ông Táo sẽ bán hết. “Có nhiều khách hàng ở tít Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi TP Hải Phòng, Quảng Ninh... gọi điện hẹn tới vườn chọn vào ngày cận Tết”.
“Sốt xình xịch” đào cổ thụ Nhật Tân
Không chỉ vườn “ngũ quả” của ông Giáp cho thu tiền tỷ mà nhiều chủ vườn khác cũng “hốt bạc” khi chăm sóc được những cây cảnh đẹp, độc đáo phục vụ Tết.
Nhiều cây đào cổ thụ đẹp ở vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá thuê từ 15 đến 80 triệu đồng một cây. Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ có giá đắt như vậy vì chủ vườn đào phải bỏ ra ít nhất chục năm mới trồng được những cây đào có gốc đẹp, cho nhiều hoa, lộc.
Khách chủ yếu thuê những cây đào cổ thụ, đào thế vì giá thuê thường rẻ hơn giá mua tới một nửa. Những khách mua đứt thường mang đi biếu. Dù giá thuê, mua cao như vậy nhưng theo nhiều chủ vườn đào ở Nhật Tân cho biết, hơn một tuần nay, nhiều người đến chọn mua, thuê, đặt hàng. Thậm chí, nhiều khách ở xa đã đánh hẳn ô-tô để săn được những gốc đào ưng ý.
Ông Toản bên gốc đào khủng.
Ông Chu Đức Toản, chủ một vườn đào ở Nhật Tân cho biết, loại đào thất thốn được nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết Giáp Ngọ - 2014 này. “Khác với những giống đào bích, đào phai, đào thất thốn thường nở hoa muộn vào sau rằm tháng Giêng. Cây đào thất thốn có giá đến hàng chục triệu đồng, giá cao hay thấp phụ thuộc vào thế và hoa, đặc biệt là vị trí hoa nở. Nếu hoa nở ở gốc thì càng đắt giá, bởi dân sành chơi coi đó là lộc đến tận gốc, mang nhiều may mắn, tài lộc”- ông Toản giải thích.
Đào thất thốn có gốc xù xì, thân cây có vẻ “quắt” nhưng hoa lại đỏ tươi, nhụy vàng nổi bật. Theo ghi nhận, trồng đào thất thốn đòi hỏi lắm công phu nên không phải ai cũng có thể theo được. Hiện ở đất đào Nhật Tân, chưa đến chục hộ trồng được loại đào này.
Vì số lượng ít nên nhiều người “mê” đào thất thốn đã phải “xếp gạch” cả tháng để có được một gốc đào ưng ý đón Tết. Giá cả của đào thất thốn dao động từ 20 đến 35 triệu đồng/cây. Những cây có dáng đặc biệt, giá có thể lên đến hơn 50 đến 70 triệu đồng/cây.