Loài nắp ấm Thorel |
Cây nắp ấm Thorel được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên ở xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương vào khoảng từ 1861-1869 và sau đó được nhà thực vật học Paul Henri Lecomte mô tả vào năm 1909. Lecomte đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài cây này. Nắp ấm Thorel là loài cây đặc hữu của khu vực Đông Dương, trông rất giống và dễ nhầm lẫn với 9 loài nắp ấm khác đã được ghi nhận ở Lào, Camphuchia, Thái Lan và Việt Nam. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế về cây thuốc Planta Medica năm 1998 đã chứng minh loài cây nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét. Kể từ sau khi Thorel thu được mẫu vật của loài này cho đến gần đây chưa có một ghi nhận chính thức nào chứng minh loài nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên. Điều này càng được khẳng định khi các nhà nghiên cứu gồm François Mey (người Pháp, gốc Campuchia), Charles Clarke (người Úc), Alastair Robinson (người Anh) và Lưu Hồng Trường đã nỗ lực tìm kiếm cây Nắp ấm Thorel ở khu vực Đông Dương nhưng không thu được kết quả. Hy vọng được thắp lên khi TS. Vũ Ngọc Long (Viện Sinh học Nhiệt đới) tình cờ chụp được hình ảnh một loài cây giống cây Nắp ấm Thorel trong một chuyến khảo sát ở vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Dựa trên bức ảnh này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát kỹ và tìm được loài này ngoài tự nhiên ở khu vực Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Việc phát hiện lại loài này ở Việt Nam sau hơn 100 năm là sự ghi nhận đáng quý, góp phần khẳng định giá trị độc đáo của thiên nhiên nước ta. Tính tới thời điểm này, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là địa điểm duy nhất có thể tìm thấy loài này trong tự nhiên. Với số lượng cá thể được tìm thấy ít hơn 100, nắp ấm Thorel đang ở tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cao. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về xếp loại tình trạng bị đe dọa của các loài, nắp ấm Thorel nên được xếp ở tình trạng Cực kỳ nguy cấp. Do vậy, cần tiến hành các biện pháp bảo vệ chặt chẽ loài này cùng sinh cảnh của nó, ngăn chặn các biện pháp khai thác đồng thời có kế hoạch phục hồi loài này nhằm bảo tồn một nguồn gene quý hiếm, độc đáo của nước ta. |