Sương muối hình thành như thế nào?
Ánh nắng làm tan các giọt sương đêm.


Những đêm giá rét, bầu trời đầy trăng sao, không hề có gió lay động ngọn lá. Sáng dậy ra ngoài cửa thấy khắp trên ngọn cỏ, mái nhà, thậm chí cả ở mặt dưới viên ngói phủ đầy sương muối trắng muốt. Người ta gọi tiết đó là "sương giáng", nghĩa là "sương muối rơi". Nhưng thật ra, chưa ai thấy sương muối "rơi" bao giờ...

Giở quyển lịch ra xem thấy hàng năm, vào hạ tuần tháng 10 luôn có một tiết gọi là "sương giáng".

Ban ngày, mặt đất nhận được ánh sáng mặt trời, nhiệt độ tăng cao hơn, làm cho nước ở đó không ngừng bốc hơi, khiến lớp không khí sát mặt đất lúc nào cũng có lượng hơi nước nhất định.

Sang cuối thu, trong mùa đông và đầu xuân, đêm trời rất giá rét, nhất là vào những đêm không có mây, gió. Khí lạnh đọng lại sát mặt đất, khi tiếp xúc với những vật thể có nhiệt độ lạnh dưới 0 độ C thì một phần hơi nước sẽ bám vào bề mặt vật đó mà ngưng kết thành tinh thể băng nhỏ. Đó chính là sương muối.

Vì sương muối là hơi nước ở sát mặt đất ngưng kết thành băng nên nó không thể là từ trên trời rơi xuống được. Khi ấy bắt gặp bất cứ nơi nào, chỉ cần đủ điều kiện là nó ngưng kết lại đó. Do vậy đôi khi chúng ta có thể phát hiện sương muối đọng cả mặt dưới viên ngói hoặc hòn gạch. Có lẽ cái từ “sương giáng” cũng cần sửa lại cho chính xác. Nhưng vì là cái tên đã dùng quen, truyền từ bao đời nay nên để nguyên cũng chẳng sao, miễn bạn hiểu chính xác nguyên lý tạo ra nó.

Không phải chỗ nào cũng có

Đối với các vật thể để ngoài trời ban đêm giá rét, mỗi vật lại có điều kiện ngưng kết sương muối khác nhau. Đồ sắt chẳng hạn, do tỉ nhiệt thấp, sau khi khuyếch tán nhiệt lượng rất dễ trở nên lạnh giá, nên dễ dàng xuất hiện sương muối.

Gạch ngói do có nhiều lỗ xốp nhỏ, sự cách nhiệt giữa các bộ phận của nó rất tốt nên khi đã bị lạnh rồi sẽ khó nóng lên bởi nhiệt độ từ chỗ khác truyền tới. Trong thời tiết giá rét, đó cũng là vật dễ đọng sương muối. Lá cỏ cây vì mỏng lại có cả hai mặt cùng tản nhiệt nên cũng dễ làm lạnh, có điều kiện xuất hiện sương muối. Đất ruộng chỗ đã cày tơi so với chỗ chưa cày cũng vì độ dẫn nhiệt khác nhau mà điều kiện ngưng kết sương muối cũng khác nhau, vì thế sương muối thường xuất hiện ở chỗ đã cày trước rồi sau mới có ở chỗ chưa cày.

(Nguồn: Theo sách 10 vạn câu hỏi vì sao )