Vào những đêm trời quang mây tạnh, trên vùng trời ở hai cực Trái đất thường liên tiếp xuất hiện những dải ánh sáng màu hồng, lam, vàng, tím… rực rỡ và biến ảo khôn lường. Tia này vừa tắt đi, tia khác lại xuất hiện, nhảy múa, lung tinh đủ màu sắc… |
Có lúc chúng chỉ là một tia sáng mong manh, có khi mang hình dẻ quạt, hình ngọn lửa, rồi lại hoá thành những vòng cung màu lá cây vắt trên nền trời. Đó chính là cực quang.
Cực quang là một hiện tượng hiếm thấy ở nhiều nơi trên Trái đất.
Nhưng ở Alaska (Mỹ), phần lớn lãnh thổ Canada, hay vùng nằm từ vĩ độ 60
trở lên, đây lại là một chuyện bình thường. Cực quang thường xuất hiện
vào buổi đêm. Có người yếu bóng vía, nhìn thấy hiện tượng này liền cho
là… ngày tận thế sắp đến.
Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, người ta khám phá ra rằng từ trường
của Trái đất có liên quan đến hiện tượng kỳ ảo này. Khi electron va vào
một vật thể nào đó, nó có thể tạo ra ánh sáng (điều này cũng tương tự
như nguyên lý hoạt động của màn hình tivi và máy tính). Như vậy, các nhà
khoa học cho rằng cực quang có thể sinh ra khi các dòng hạt mang điện
tích trong vũ trụ va chạm với bầu khí quyển.
Kết quả nghiên cứu khoa học vào các năm 1957 – 1958 cho rằng khi trên
Mặt trời xuất hiện các vết đen, gió Mặt trời tạt vào Trái đất, mang
theo một dòng hạt năng lượng cao gây ra hiện tượng cực quang. Các
electron và proton trong dòng hạt này đi vào bầu khí quyển. Dưới ảnh
hưởng của địa từ, chúng bị hút về hai cực Trái đất. Tại đây, chúng va
chạm và kích thích các phần tử khí, làm các phân tử này phát ra bức xạ
điện từ dưới dạng ánh sáng nhìn thấy. Bầu khí quyển có rất nhiều chất
như oxy, nito, heli, hydro, neon… Dưới tác động của dòng hạt mang điện,
ánh sáng do các chất khí khác nhau tạo ra cũng khác nhau, vì thế cực
quang có muôn màu ngàn sắc.
Cực quang khi sẽ xuất hiện mạnh thường đi kèm với những thay đổi
trong địa từ và kéo theo sự giao thoa với sóng vô tuyến, sóng điện
thoại… Thời kỳ mạnh, yếu của cực quang có mối liên quan chặt chẽ tới chu
kỳ hoạt động của Mặt trời. Khi Mặt trời ở đỉnh chu kỳ, (hoạt động mạnh
nhất), nó sẽ bức xạ nhiều hơn mức bình thường. Lúc này dòng hạt mang
điện va chạm nhiều hơn với khí quyển, do đó, cực quang sẽ xuất hiện rất
nhiều và kỳ vĩ. |