Đầu cơ bằng phát minh - Tệ nạn mới
Nắm trong tay 6.000 bằng phát minh, một công ty tại Hoa Kỳ đẩy các đại gia vào thế kẹt khi phải mua chúng với giá hơn 4 tỷ USD nếu không muốn bị khởi kiện ra tòa. Chớp thời cơ mua một công ty non trẻ, nhưng HTC đã có đủ cơ sở để làm tuyệt chủng máy tính Macintosh của Apple. Đầu cơ bằng phát minh nay đã trở nên một tệ nạn trong giới công nghệ.

Phương thức đầu cơ mới

 




Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều người đầu cơ một sản phẩm nào đó bằng cách thu mua hết chúng trong thị trường và đem cất đi nhằm tạo sự khan hiếm giả tạo để đẩy giá bán của chúng lên cao vọt. Khi đó, họ đem các sản phẩm kia ra bán và thu được lợi nhiều hơn. Trong lĩnh vực công nghệ, việc một cá nhân, tổ chức nghiên cứu ra một công nghệ mới, sở hữu một phát minh được xem là một dấu ấn đáng nhớ về khoa học; tuy thế, nhiều công ty kinh doanh thuần túy lại thấy ở những bằng phát minh này những giá trị lợi nhuận khổng lồ.

 

So với IBM, hãng công nghệ có nhiều bằng phát minh nhất thế giới thì các công ty đầu cơ về bằng phát minh cũng có số lượng bằng phát minh đáng nể. Tuy thế, nếu so sánh về nguồn gốc của các bằng phát minh thì chúng lại khác nhau hoàn toàn. Trường hợp của IBM, mỗi bằng phát minh là do chính những cá nhân hoặc tổ chức trong ngôi nhà IBM nghiên cứu và tạo ra. Ngược lại, với các công ty đầu cơ bằng phát minh thì rất khác, họ có thể sở hữu một vài bằng phát minh do chính mình khám phá ra thông qua các công trình nghiên cứu trước đó, tuy thế, phần lớn các bằng phát minh còn lại đều do họ bỏ tiền ra mua từ các cá nhân, tổ chức ở bên ngoài. “Hãy xem Nortel và Novell, họ chẳng nghiên cứu, chẳng sản xuất bất kỳ thứ gì nhưng lại nắm trong tay hơn 6.000 bằng phát minh với nhiều công nghệ đang được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Điều này sẽ là quả bom nổ chậm”, một chuyên gia cảnh báo.

 

Hậu quả nghiêm trọng

 

Mới đây, Nortel và Novell đã trở thành sự kiện có tiếng vang trong thế giới công nghệ khi họ trở thành sợi dây giằng co cho các hãng công nghệ hàng đầu thế giới thi tài trong việc sở hữu được 6.000 bằng phát minh của họ. “Đã có Apple, Microsoft, Google, Research in Motion (hãng sở hữu thương hiệu BlackBerry), Sony, AMC và Ericsson,… cùng tham gia trò kéo co này. Kết quả sau cùng, 6.000 bằng phát minh kia đã được nhóm liên minh Microsoft-Apple cùng các đối tác mua đứt với giá 4,5 tỷ USD. Tính ra, mỗi bằng phát minh có giá lên tới 750.000 USD, đây là một mức giá “cắt cổ” nhưng nếu không sở hữu được chúng, hậu quả sẽ rất nặng nề”, SlashGear nhận định.

 

Chỉ với một bằng phát minh, Microsoft có thể thu của HTC trên mỗi điện thoại bán ra tới 5 USD, Nokia dựa trên 10 bằng phát minh để thu của Apple mỗi năm gần một tỷ USD trong khi với hơn 6.000 bằng phát minh này, những hãng nằm dưới quyền “sinh sát” của nó có thể sẽ phải “cống nạp” từ 15-20 USD cho các sản phẩm smartphone, laptop hay tablet tung ra thị trường. Đây là một mức giá “cắt cổ” nếu như bạn biết rằng, tại Hoa Kỳ, nhiều chiếc điện thoại được bán kèm theo dịch vụ của nhà mạng chỉ có giá chưa tới 50 USD, MarketWatch tiết lộ.

 

Thị trường sẽ loạn

 




Như vậy, sở hữu càng nhiều bằng phát minh “độc”, các hãng công nghệ thừa khả năng và điều kiện để “dìm” đối thủ đến mức phá sản, một chuyên gia đánh giá.Mới đây nhất, tòa án Hoa Kỳ đã buộc Samsung phải trình các mẫu thiết kế của smartphone mới nhất cho phía Apple kiểm duyệt trước để xem có vi phạm thiết kế kiểu dáng độc quyền công nghiệp của các máy iPhone không,… Theo các chuyên gia, không chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ mà ở bất kỳ lĩnh vực nào, các cuộc chiến về bản quyền vẫn luôn luôn là một chủ điểm dai dẳng và thường nảy sinh các tình huống mới trên nền tảng những vấn đề cũ. “Chúng sẽ thay đổi tùy theo thực tế chiếm lĩnh thị trường của các công ty công nghệ so với đối thủ (ăn trộm bản quyền) của mình, dù rằng bản quyền ấy là do họ đi mua lại”, một nhà phân tích cho biết.

 

Hãy xem một loạt các tên tuổi lớn như Microsoft, Motorola, HTC, Apple, Nokia, Samsung,… Họ đã có những tranh cãi quyết liệt kèm những động thái mạnh bạo nhưng giống như mọi phiên tòa khác, những vụ kiện này không thể kết thúc trong một sớm một chiều và điều đó khiến thị trường luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu”, bình luận viên công nghệ trên New York Times cho biết. “Sẽ là rất khủng khiếp khi các nhà bán lẻ bỗng nhiên nhận được tin một chiếc điện thoại nào đó bị cấm bán trong khi kho hàng của mình bị đầy ứ sản phẩm đó hoặc một hệ điều hành bị nhận định là vi phạm bản quyền và bị cấm hoạt động – như thế, các thiết bị chạy chúng sẽ nhanh chóng trở thành mớ đồ phế thải với đặc điểm không thể nâng cấp”. Thị trường sẽ rối loạn!

 


(Nguồn: Q.H )