Theo BBC ngày 20-3, thiết bị do các nhà khoa học Thụy Sĩ chế tạo này nhỏ như hạt gạo, không dây, được đưa vào dưới da bệnh nhân thông qua kim tiêm. Kết quả xét nghiệm sau đó sẽ được chuyển tới ngay cho bác sĩ thông qua Bluetooth.
Nhóm nghiên cứu cho biết thiết bị trên có thể kiểm tra được năm chất khác nhau trong máu, và họ hi vọng sẽ đưa nó ra thị trường trong vòng 4 năm tới.
Thiết bị này đặc biệt có ích trong việc theo dõi các bệnh mãn tính như tiểu đường và cholesterol cao, cũng như theo dõi ảnh hưởng của thuốc lên bệnh nhân như trong trường hợp bệnh nhân được hóa trị, theo giáo sư Giovanni de Micheli và nhà khoa học Sandro Carrara - “cha đẻ” của thiết bị trên.
"Nó cho phép theo dõi trực tiếp và liên tục dựa trên sự chịu thuốc của bệnh nhân chứ không phải dựa trên tuổi tác, trọng lượng hay các xét nghiệm máu hằng tuần", giáo sư Giovanni de Micheli nói.
Hiện thiết bị đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật, với kết quả khả quan khi nó có thể phát hiện cả cholesterol và glucose trong máu cũng như một số chất phổ biến khác.