Việt Nam: 78% website Chính phủ có thể bị tấn
Đây là một con số đáng báo động đối với công tác an toàn bảo mật thông tin của Chính phủ

Theo số liệu được công bố tại Hội thảo Quốc gia về An ninh bảo mật 2013 (Security World 2013) diễn ra sáng 26/3 tại Hà Nội, có tới hơn 2200 website của các cơ quan, doanh nghiệp VN bị tấn công trong năm 2012, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng.

Việt Nam: 78% website Chính phủ có thể bị tấn, Công nghệ thông tin, website chinh phu bi tan cong, website chinh phu, hacker, website bi tan cong, cong nghe, bo thong tin truyen thong, Bo thong tin, Bo TT&TT, cong nghe thong tin, tin cong nghe, an ninh bao mat, an ninh mang, internet,

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định, Chính phủ đã dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề an toàn thông tin trong những năm qua, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Quy hoạch An toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020. Ảnh: Cầm Thi

So với năm 2011, con số này hầu như không giảm (2245 website bị tấn công trong năm 2011). Bên cạnh đó, theo báo cáo của VNISA, Việt Nam tuy nằm trong Top 5 thế giới về người dùng Internet nhưng lại xếp thứ 15 về lượng phát tán mã độc, thứ 10 về tin rác và thứ 15 về zombie (máy tính bị mất quyền kiểm soát vào tay hacker). Đặc biệt nguy hiểm, trong 100 website thuộc Chính phủ với đuôi .gov.vn, có đến 78% số website có thể bị tấn công toàn diện.

Các chuyên gia bảo mật trong nước cũng phát hiện nhiều biến thể virus ăn cắp tài khoản ngân hàng trực tuyến tại VN trong 12 tháng qua. Chúng xuất hiện song song cùng các mã độc chuyên dùng để đánh cắp thông tin nhạy cảm từ doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tài chính.

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định Chính phủ đã dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề an toàn thông tin trong những năm qua, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Quy hoạch An toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020. Dự kiến đến cuối năm nay, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ Luật An toàn thông tin số. Nếu được Quốc hội thông qua vào năm 2014, đây sẽ là văn bản nhà nước ở cấp cao, thiết lập hành lang pháp lý và quy chuẩn cho công tác an toàn thông tin tại Việt Nam, một vấn đề đang được đánh giá là "nóng bỏng", bức xúc của xã hội.

Sự phát triển của công nghệ, những xu thế mới như thiết bị di động thông minh, điện toán đám mây, ảo hóa, mạng xã hội... đã đặt ra cho Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, nhiều bài toán hóc búa về bảo mật. Theo kế hoạch, Bộ TT&TT đang chuẩn bị thành lập Cục ATTT để chuyên trách các vấn đề bảo mật thông tin và mạng lưới, song song với việc hoàn thiện mạng lưới ứng cứu quốc gia đối với các sự cố khẩn cấp. Bộ cũng đang tích cực xây dựng khung chương trình đào tạo ATTT theo tiêu chuẩn quốc tế theo hướng kết hợp đầu tư Nhà nước với nguồn lực xã hội để giải quyết bài toán "tăng cường cả chất lẫn lượng cho nguồn nhân lực ATTT".

Bên cạnh các giải pháp vĩ mô thì Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh xử lý những hiện tượng gây bức xúc lớn trong đời sống xã hội gần đây như chống tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi quấy rối..., Thứ trưởng Hồng cho biết.

Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an chia sẻ, tin tặc có nguồn gốc nước ngoài đã tấn công, truy cập vào hệ thống mạng của cơ quan Nhà nước và một số doanh nghiệp lớn, lấy cắp nhiêu dữ liệu nhạy cảm và gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam.

Dựa trên số liệu quét server của TrendMicro thì Việt Nam đang chủ yếu bị tấn công vào Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan ngang bộ. Với 394 máy chủ bị kết nối âm thầm và thường trực ra máy chủ nước ngoài (chủ yếu là các máy chủ có địa chỉ ở Trung Quốc), Việt Nam hiện dẫn đầu cả thế giới về số lượng server bị tấn công, bỏ xa Nga ở vị trí số 2 (34 máy chủ) và Ấn Độ (19 máy chủ). "Đây là một con số đáng báo động đối với công tác an toàn bảo mật thông tin của Chính phủ", Trend Micro nhận định.

Chiều nay và ngày mai, các diễn giả đến từ các cơ quan Chính phủ, các chuyên gia bảo mật trong và ngoài nước sẽ tiếp tục thảo luận về nhiều chủ đề bảo mật nóng như "đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử, bảo mật thông tin trong các CQNN", "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lộ trình triển khai chứng minh thư điện tử tại VN", "Ứng dụng sinh trắc học trong vấn đề quản lý tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội".


(Nguồn: Vietnamnet )