Nhà chức trách Nhật Bản, Ấn Độ và Chile đã theo bước Cơ quan hàng hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh dừng không thời hạn tất cả hoạt động của máy bay này sau khi một chiếc Dreamliner của Nhật ngày 16/1 buộc phải hạ cánh khẩn cấp.
FAA, vốn mọi động thái đều mang tính tiêu chuẩn với các cơ quan điều hành hàng không khác, cho rằng “có rủi ro xảy ra hỏa hoạn với pin trong máy bay 787” sau khi kiểm tra một bộ phận trên chiếc máy bay của hãng hàng không All Nippon Airways.
Các nhà phân tích nói sự cố với ANA, sau hàng loạt những lo ngại an toàn liên quan tới Dreamliner trong tuần qua, đòi hỏi sự xử lý khủng hoảng thận trọng từ Boeing, khi rủi ro mà hãng đặt cược vào mẫu máy bay thế hệ mới này là rất lớn.
ANA đã dừng sử dụng mẫu Dreamliner. (Nguồn: AFP)
Máy bay Dreamliner dựa nhiều vào hệ thống pin chạy bằng điện thay vì bằng xăng như các mẫu máy bay cũ hơn, và Boeing nói họ sử dụng các thiết bị tổng hợp nhẹ để tiết kiệm nhiên liệu. Giám đốc điều hành Boeing Jim McNerney nói công ty “rất lấy làm tiếc” về ảnh hưởng của các sự kiện gần đây với hãng hàng không này và các khách hàng, và khẳng định sẽ “thực hiện tất cả các bước cần thiết” với FAA để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tự tin là 787 an toàn và khẳng định sự trong sáng tổng thể của công ty". Nhưng do các sự cố gần đây, 39 trong 50 chiếc Dreamliner hiện đang được các hãng hàng không trên thế giới sử dụng đã tạm ngưng dùng máy bay này.
United Airlines, hãng hàng không duy nhất của Mỹ sử dụng Dreamliner, đã cùng ANA và Japan Airlines (JAL) rút máy bay này khỏi đường băng. Air India của Ấn Độ và LAN Airlines của Chile cũng theo bước.
“Chúng tôi sẽ theo dõi cuộc điều tra của FAA với Dreamliner. Chúng tôi chưa thể nói khi nào sẽ sử dụng máy bay trở lại. Điều đó phụ thuộc vào việc Boeing có đáp ứng các quan ngại của chúng tôi về an toàn hay không", Arun Mishra, giám đốc cơ quan hàng không dân sự Ấn Độ, nói với AFP.
Nhật Bản là nơi có 24 chiếc Dreamliner từng hoạt động và chính quyền nói họ không còn lựa chọn nào khác sau khi quyết định mở điều tra được công bố.
“Sau quyết định của FAA, những chiếc Boeing 787 sẽ không được bay tiếp cho tới khi vấn đề an toàn về pin được giải quyết dứt điểm", Thứ trưởng giao thông Nhật Bản Hiroshi Kajiyama nói.
Các loại pin ion lithium trên máy bay Dreamliner được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính và điện thoại di động và các hãng hàng không trên thế giới thường cảnh báo hành không không mang quá nhiều hành lý xách tay lên máy bay một phần do lo ngại pin sẽ nóng quá mức phát ra tia lửa điện và có thể gây hỏa hoạn.
Hãng tin Kyodo News nói các quan chức từ Cục an toàn giao thông Nhật Bản điều tra vụ của ANA làm việc trên cơ sở giả định pin đã bị nóng quá mức.
“Chất lỏng đã rò rỉ ra ngoài pin", Kyodo dẫn lời điều tra viên Hideyo Kosugi. Pin này được hãng GS Yuasa của Nhật Bản sản xuất. Hãng này là một trong nhiều đơn vị thuê ngoài của Boeing trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của hãng. ANA nhận máy bay Dreamliner đầu tiên năm 2011.
“Cho tới giờ, chưa rõ vấn đề là pin hay hệ thống điện", một người phát ngôn của GS Yuasa nói, khẳng định công ty có “kinh nghiệm và công nghệ vượt trội".
Cổ phiếu GS Yuasa rớt hơn 5% trong phiên giao dịch ở Tokyo ngày thứ Năm, trong khi cổ phiếu JAL và ANA cũng rớt giá với mức thấp hơn. Cổ phiếu Boeing kết thúc giao dịch ngày thứ Tư thấp hơn 3,4% tại Phố Wall, dù trước tuyên bố của FAA.