Google Glass áp dụng công nghệ truyền âm qua xương
Google vừa xác nhận sử dụng công nghệ truyền âm qua xương cho chiếc Google Glass, kính mắt giúp người dùng có thể thay thế tối đa tác vụ trên máy tính.

Với công nghệ này, không một ai ngoài bản thân người dùng có thể nghe thấy các thông báo từ thiết bị.

Một nguồn tin nội bộ cho biết thiết bị này sẽ tiếp xúc với vùng xương chũm sau tai, trực tiếp truyền âm thanh tới vùng tai giữa. Điều đó có nghĩa là tất cả âm thanh phát ra, từ âm báo tin nhắn, thông báo trên Google+ đến mọi loại thông báo khác đều được dẫn trực tiếp đến tai người dùng, hoàn toàn không thể nghe được đối với những người xung quanh mà vẫn đảm bảo được chất lượng âm thanh trong môi trường nhiều tiếng ồn.

Google Glass áp dụng công nghệ truyền âm qua xương

Công nghệ truyền âm qua xương thực tế đã được áp dụng vào một số thiết bị âm thanh trước đây, từ tai nghe stereo đến tai nghe Bluetooth, ví dụ như bộ tai nghe Jawbone, truyền thẳng các rung động âm thanh qua xương gò má, từ đó loại bỏ được các tạp âm khác bên ngoài. Không chỉ thực sự hiệu quả trong môi trường nhiều tạp âm, công nghệ này còn giải phóng người dùng khỏi những chiếc earbud vướng víu.

Google vẫn chưa đưa ra thông tin phần cứng cụ thể nào về âm thanh của thiết bị này. Thực tế, các đặc điểm kĩ thuật mà Google công bố rộng rãi hiện nay đều có thể bị thay đổi trong tương lai, khi mà Google cải tiến thiết kế trước khi phát hành phiên bản Explorer cho các nhà phát triển vào năm sau. Trước đó đã có thông tin cho rằng thiết bị được tích hợp một chiếc loa nhỏ. Tuy nhiên, một chiếc loa như vậy chắc chắn sẽ đem lại nhiều phiền toái. Ví dụ như để tăng giảm âm lượng, người dùng sẽ phải liên tục điều chỉnh phím bấm trên chiếc kính, trừ khi là mức âm lượng được điều chỉnh tự động. Hoặc thiết bị này cũng có thể gây phân tán cho những người xung quanh nếu như loa phát ra âm lượng quá to. Trong khi đó, một số thông báo hoặc cuộc gọi cho người dùng lại yêu cầu tính chất riêng tư, bảo mật.

Chất lượng âm thanh của công nghệ truyền âm qua xương có vẻ ít sống động hơn các loại headphone truyền thống, thế nhưng các ưu điểm nổi trội khác của công nghệ này lại vượt xa những bất lợi của nó. Vậy nên rất có khả năng bộ phận hình chữ nhật phía đuôi kính trong bức ảnh Google công bố tháng 5 vừa qua chính là bộ phận truyền âm qua xương của thiết bị này.

(Nguồn: khoa học )