Kiểm soát đường huyết với cảm biến tí hon
Hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường phải đối mặt với sự khó chịu khi thường xuyên lấy máu để xét nghiệm.

Vì vậy, các nhà khoa học tại Viện Fraunhofer (Đức) đang phát triển loại thiết bị không xâm lấn, cơ động để đo lượng đường huyết. Thay vì lấy mẫu máu thì thiết bị này có thể đo liên tục nồng độ đường huyết bằng chất lỏng của các mô khác như mồ hôi hoặc nước mắt.

Thực ra từng có thiết bị với tính năng tương tự nhưng kích cỡ chúng quá lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng lại không chính xác. Theo Gizmag, cảm biến loại mới có kích cỡ chỉ 0,5 x 2mm và tiêu thụ ít hơn 100 microampe. Con chip của thiết bị được tích hợp một nanopotentiostat đo nồng độ H2O2 (hydro peoxide) và các hóa chất khác - kết quả từ phản ứng điện hóa diễn ra với sự trợ giúp của loại enzym có tên gọi glucose oxydase.

Qua các hóa chất này thiết bị sẽ tính toán được nồng độ đường huyết. Nó còn được tích hợp công cụ chuyển đổi thành kỹ thuật số rồi truyền ra bên ngoài mà máy thu có thể là chiếc điện thoại di động. Bằng cách này một thiết bị có thể đeo trên cơ thể nhiều tháng để liên tục kiểm tra.

Hãng công nghệ y sinh NovoSense BV của Hà Lan cũng đang thiết kế loại cảm biến sinh học tương tự với chi phí thấp để có thể sản xuất hàng loạt. Trong tương lai gần, việc lấy máu xét nghiệm đường huyết có thể đi vào dĩ vãng.

(Nguồn: khoa hoc )