Rô-bốt có khả năng đổi màu như bạch tuộc
Mỹ vừa tạo ra loại rô-bốt thân mềm giống bạch tuộc, có thể thu thập thông tin, ngụy trang và ẩn nấp khỏi sự theo dõi của máy ảnh hồng ngoại.

Các nhà khoa học ở Mỹ vừa chế tạo ra một loại rô-bốt thân mềm lấy cảm hứng từ loài mực và bạch tuộc, có thể thu thập thông tin, ngụy trang và ẩn nấp khỏi sự theo dõi của máy ảnh hồng ngoại.

Rô-bốt với kết cấu có khả năng đổi màu và ngụy trang như mực và bạch tuộc (Ảnh: Petridishnews.com)
Rô-bốt trên được dự án hợp tác giữa Đại học Harvard và Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc Mỹ phát triển. Các nhà khoa học đã tìm hiểu kỹ các đặc điểm của loài mực để tạo ra một loại rô-bốt thân mềm mang một số chức năng như con mực như khả năng tái tạo, ngụy trang.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, rô-bốt có khả năng nguy trang này, bao gồm cả sự thay đổi màu sắc và hình dạng, có thể chống lại các môi trường khác nhau. Khả năng đổi màu của rô-bốt nhờ vào một mạng lưới mỏng, linh hoạt gắn vào phần dưới rô-bốt. Hệ thống này được bơm thuốc nhuộm màu sắc khác nhau tạo thành mạng lưới các ông “da”, giúp rô-bốt thay đổi màu sắc linh hoạt. Cùng với hệ thống đổi màu, rô-bốt còn chứa một loạt các chất lỏng kiểm soát nhiệt độ để chống lại sự phát hiện của máy ảnh hồng ngoại.

Mặc dù dự án nghiên cứu vẫn chưa tiết lộ rõ mục đích phát triển của rô-bốt “bạch tuộc” này trong những năm tới. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, với tính chất nhẹ, linh hoạt lại rẻ tiền (giá chỉ khoảng 100 USD), rô-bốt bạch tuộc sẽ có nhiều ứng dụng, chẳng hạn như: tìm kiếm cứu nạn, thu thập thông tin…

(Nguồn: dat viet )