Gắn chíp điện tử cho Voi
Đây là một trong các hành động khẩn cấp để bảo tồn đàn voi ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ bảo tồn thiên nhiên (Bộ NN&PTNT) cho biết ngày 1/8.
Voi chở khách du lịch ở Tây Nguyên _ gialai.gov.vn

Theo kế hoạch đến năm 2020, toàn bộ voi nhà sẽ được gắn chip. Trước mắt, các địa phương cần nhanh chóng tổ chức lập hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử voi nhà để giám sát, bảo vệ voi chặt chẽ, nghiên cứu việc sinh sản voi thuần dưỡng nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà; xây dựng và phát triển Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắk làm cơ sở cho việc nghiên cứu và bảo tồn voi nhà. Đồng thời, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắt, buôn bán voi và các sản phẩm của voi qua đường biên giới. “Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ xây dựng lộ trình để thực hiện và bao giờ tiến hành gắn chíp điện tử cho voi phải phụ thuộc vào các địa phương” ông Liên cho hay.

Trước đó, từ năm 2006 Việt Nam đã tiến hành gắn chíp cho gấu nuôi nhốt ở tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước để bảo vệ. Ông Liên cho biết, đến nay đã có hơn 4000 cá thể gấu được gắn chip điện tử. Sau khi gắn chip, tất cả các cá thể gấu đều có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát thường xuyên nên công tác bảo vệ đã đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Các số liệu thống kê cho thấy, hiện nay đàn voi nhà ở Việt Nam còn khoảng 54 cá thể chưa kể một số cá thể voi được nuôi ở vườn thú, rạp xiếc. Đối với voi hoang dã, Việt Nam được xem là một trong 13 nước châu Á có quần thể voi sinh sống. Tuy nhiên, voi rừng Việt Nam có mức suy giảm nghiêm trọng so với 30 năm trước. Vào những năm 1975-1980, Việt Nam có tới 2.000 cá thể voi hoang dã nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 100 cá thể, sống tập trung ở các tỉnh dọc biên giới với Lào và Campuchia. Tỉnh Đăk Lắk, nơi cư trú từ lâu đời của loài voi rừng Việt Nam với số lượng lớn nhất cũng chỉ còn không quá 60 cá thể, giảm một nửa so với năm 1997 và bằng 1/7 so với 30 năm trước.

(Nguồn: datviet )