Ra đời từ chương trình tên lửa chống radar
Những năm 1970-1980, Quân đội Mỹ bắt đầu đưa vào sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại MIM-104 Patriot, hệ thống chiến đấu Aegis cùng tên lửa đánh chặn Standard Missile dành cho Hải quân Mỹ.
Quá trình biên chế này gây áp lực lớn lên đội ngũ kỹ sư Liên Xô. Nhiệm vụ mới của họ là phải tạo ra vũ khí để chế áp hệ thống phòng không đối phương.
Đó chính là việc phải tập trung phát triển các loại tên lửa chống radar để tiêu diệt “mắt thần” hệ thống Patriot, từ đó vô hiệu hóa hoàn toàn chúng, mở đường cho lực lượng ném bom hạng nặng xâm nhập oanh tạc mục tiêu. | Kh-31A ra đời từ những "cây kim chọc mù mắt thần". |
>> Tên lửa chống radar của Nga, Trung Quốc
Năm 1977, Cục thiết kế Zvezda bắt đầu chương trình phát triển tên lửa chống radar tầm xa thế hệ mới.
Năm 1982, Zvezda thực hiện lần phóng thử đầu tiên mẫu thử tên lửa chống radar Kh-31. Tới năm 1988, tên lửa chống radar với tên gọi chính thức Kh-31P được chấp nhận đưa vào phục vụ trong Không quân Nga.
Dựa trên nền tảng Kh-31P, Zvezda tiếp tục phát triển và đưa vào sử dụng tên lửa hành trình không đối hạm tầm ngắn Kh-31A. Tên lửa có thể phóng từ tiêm kích đa năng MiG-29 (biến thể mới), Su-30MK, Su-34, Su-35.
“Họ hàng P-270 Moskit”
Kh-31A ngoài định danh của NATO AS-17 Krypton, nó còn được người ta gọi với biệt danh “Mini Moskit”. Đơn giản, Kh-31A (kể cả Kh-31P) có ngoại hình rất giống với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-270 Moskit – sản phẩm của cục thiết kế Raduga. Vì lẽ đó, Kh-31A được coi như là biến thể thu nhỏ của P-270.
Kh-31A có chiều dài 4,7m, đường kính thân 0,36m, trọng lượng phóng 610kg. Tên lửa được lắp hai động cơ đẩy.
Khi phóng, động cơ rocket nhiên liệu lỏng gắn ở đuôi được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ Mach 1,8 và tự tách ra khi hết nhiên liệu. Sau đó, 4 cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu dầu lửa giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 2,9, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu 5-70km.
Về hệ thống điều khiển, ở pha giữa tên lửa dùng hệ thống định vị quán tính dẫn đường, pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 có khả năng kháng nhiễu cao, lựa chọn một mục tiêu trong nhóm mục tiêu cùng loại dày đặc.
Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa nặng 95kg dùng để tiêu diệt tàu khu trục, hộ vệ cỡ lớn, tàu tên lửa cở nhỏ, tàu vận tải đổ bộ.
Khi tiếp xúc bề mặt mục tiêu, tên lửa xuyên phá vào bên trong tàu rồi mới kích nổ đầu đạn hoặc nổ theo kiểu phá mảnh khi bay trên mục tiêu.
Ước tính, để tiêu diệt tàu khu trục cần 2,5 quả Kh-31A, với tàu tên lửa cỡ nhỏ chỉ cần 1 quả.
Có thể nói, Kh-31A là vũ khí chống tàu cực kỳ nguy hiểm, "cơn ác mộng" từ bầu trời đối với tàu địch.
Tên lửa có tốc độ hành trình bay rất cao, tiếp cận nhanh, khó đánh chặn. Không những thế, khi bị radar địch phát hiện, tên lửa có thể cơ động vọt cao đối phó với tên lửa đánh chặn đối phương.
Cục thiết kế Zvezda đã phát triển thêm các biển thể mới của Kh-31A như: Kh-31AD (kích thước lớn hơn, lắp radar chủ động cải tiến ARGS-31E, tầm bắn tăng lên 100km); Kh-31AM (nâng cấp hệ thống điện tử để chống lại biện pháp đối phó của đối phương, cải tiến động cơ để tăng tầm bắn nhưng không tăng trọng lượng).
Ngày nay, Kh-31A cũng được xuất khẩu tới một số quốc gia trên thế giới. |