Ấn Độ và giấc mộng 'siêu cường tên lửa'
Sự ra đời của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã đưa Ấn Độ vượt lên trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về công nghệ tên lửa.

 

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos

 Ấn Độ sẽ nổi lên như một siêu cường về công nghệ tên lửa với một biến thể tên lửa hành trình siêu vượt âm ra đời trong 5 năm tới, tờ The Hindu của Ấn Độ trích dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành công ty liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace, ông A. Sivathanu Pillai.

Sau khi làm chủ được công nghệ chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (được phát triển với sự hợp tác của Nga), Ấn Độ tiếp tục lên kế hoạch thực hiện một dự án đầy tham vọng nhằm tăng tốc độ của tên lửa lên từ Mach 2,8 lên Mach 7.

Ấn Độ đã bỏ lại phía sau những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ tên lửa bằng việc chế tạo thành công loại tên lửa hành trình BrahMos có thể đạt được tốc độ siêu thanh Mach 2,8, nó (tên lửa BrahMos) cần được duy trì và nâng cấp dần dần, ông Pillai cho hay.

Trong cuộc đua phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, người Mỹ cũng đã thử nghiệm thành công một mẫu thử nghiệm của vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW) đạt tới tốc độ Mach 5.

>> Mỹ thử thành công 'siêu vũ khí tấn công toàn cầu'

"Chúng tôi là những người đứng đầu về hiệu suất, tốc độ và độ chính xác. Các nước khác, bao gồm cả các quốc gia có nền công nghiệp quân sự phát triển mạnh, họ có các tên lửa cận âm. Tên lửa của chúng tôi nhanh hơn 3 lần so với tên lửa Tomahawk và Harpoon của Mỹ", ông Pillai nói.

"Khái niệm vũ khí siêu vượt âm sẽ được hiện thực hóa vào năm 2016", Giám đốc BrahMos Aerospace nói thêm.

Việc thử nghiệm phóng tên lửa không đối đất và không đối hải cho Không quân Ấn Độ (IAF) đã thành công. Một động cơ mới để phóng tên lửa từ trên không đã được phát triển.

Việc thử nghiệm phóng tên lửa từ máy bay chiến đấu Su-30MKI sẽ được thực hiện ngay trong năm 2012. Sau khi thử nghiệm thành công, tên lửa sẽ được tích hợp vào các máy bay chiến đấu chủ lực Su-30MKI của IAF vào cuối năm.

 

Năm 2012, Su-30MKI sẽ mang tên lửa BrahMos.

"Lục quân và Hải quân Ấn Độ đã được trang bị chúng (các biến thể của tên lửa BrahMos)", ông Pillai nói.

Dự án phóng tên lửa siêu âm từ tàu ngầm lặn dưới nước là một giai đoạn cao, ông Pillai cho biết.

Tên lửa BrahMos Block III với hệ thống điều khiển tiên tiến sẽ sớm được triển khai ở khu vực các dãy núi cao. Nó có khả năng cơ động linh hoạt và tấn công mục tiêu theo kiểu bổ nhào từ trên cao. "Tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ẩn sau các dãy núi", ông Pillai nói.

Về trọng lượng tên lửa, ông Pillai nói rằng, Ấn Độ đã phát triển tên lửa có khối lượng nhẹ. "Trọng lượng của tên lửa không phải là mối lo lắng đối với Lục quân và Hải quân Ấn Độ.

Tuy nhiên, đối với Không quân, chúng ta cần phải giảm tối thiểu trọng lượng hơn nữa để đảm bảo tốc độ, tầm bắn và hiệu quả. Các tên lửa hành trình siêu âm sẽ được tích hợp vào các máy bay chiến đấu của chúng tôi trong thời gian ngắn”.
(Nguồn: datviet )