Trung Quốc thử UAV S-100 ở Đông Hải?
Một chiếc tàu khu trục Giang Khải II của Trung Quốc bị bắt gặp đang chở theo 3 chiếc UAV gần giống mẫu S-100 của Áo

Một tàu chiến của Nhật vừa bắt gặp và chụp lại được cảnh một chiếc trực thăng UAV cất cánh từ một tàu khu trục mang tên lửa điều khiển Type-054A, còn gọi là tàu tên lửa lớp Giang Khải II của Trung Quốc.

Theo thông tin ban đầu, UAV này có thiết kế khá giống mẫu UAV S-100 Camcopter của hãng Schiebel-một hãng sản xuất máy bay trực thăng của Áo.

Năm 2010, Trung Quốc đã mua 18 chiếc trực thăng S-100 của hãng này. EU không hỗ trợ việc bán vũ khí cho Trung Quốc vì lệnh cấm vận nhưng S-100 lại được Trung Quốc mua với mục đích dân sự (dùng cho ngành cảnh sát).

UAV gần giống S-100 cất cánh từ Giang Khải II của Trung Quốc

Dù trông khá giống S-100 nhưng cả 3 chiếc UAV của Trung Quốc có vài điểm khác biệt.
 
Trang Strategy Page tạm thời kết luận, có thể Trung Quốc đã sửa lại những mẫu S-100 đã mua hoặc là nhái lại S-100. Một công ty Trung Quốc cũng đã chào bán chiếc trực thăng UAV có thiết kế khá giống với S-100.

Mẫu S-100 nặng khoảng 200 kg, có thể bay trong khoảng 6 tiếng và hoạt động ở độ cao tối đa 5.500 m. S-100 đạt được vận tốc tối đa 200km/h.

Các công ty Trung Quốc đã phát triển rất nhiều mẫu máy bay không người lái dạng trực thăng như mẫu V750 nặng khoảng 757 kb và có thể chở được tối đa 80 kg. Vận tốc tối đa của V750 là 161 km/h. V750 có thể duy trì vận tốc này trong vòng 4h bay liên tục.

Mẫu UAV này của Trung Quốc có thể bay theo chương trình lập trình sẵn hoặc điều khiển từ trung tâm trong vòng bán kính 150km. Mẫu 750V được bán cho cả dân sự và quân sự. Những mẫu UAV như 750V được chào bán hàng tá trên thị trường.

Hiện nay, Mỹ vẫn dẫn đầu trong lĩnh sự sản xuất và sử dụng máy bay không người lái với hàng loạt các mẫu mới trong thập kỷ đầu thế kỷ 21.

Trong đó, mẫu V750 của Trung Quốc được thiết kế khá giống mẫu MQ-8B Fire Scout vốn được Hải quân Mỹ thiết kế và đưa vào sử dụng ở Afghanistan cũng như trên các chiến hạm ở nước ngoài. Mẫu MQ-8B nhận được sự ưu ái của hải quân Mỹ vì thiết kế kiểu trực thăng có thể dễ dàng cất cánh và hạ cánh trên các chiến hạm Mỹ.

Mẫu Fire Scout của Mỹ cũng được thiết kế dựa trên mẫu trực thăng không người lái Schweitzer 333. Fire Scout có thể chở được khối lượng hàng hóa 272 kg, tốc độ bay 200 km/h, hoạt động ở độ cao tối đa 6.100m và hoạt động liên tục trong 8 giờ. Hải quân Mỹ có kế hoạch mua thêm 160 Fire Scouts.

Hải quân hàng loạt các nước khác cũng đang bắt đầu thử nghiệp trực thăng UAV trên chiến hạm của họ. Mẫu UAV này được xem là sẽ thay thế trực thăng có người lái và cho phép thực hiện nhiệm vụ từ các tàu chiến nhỏ hơn – vốn không đủ tải trọng để chở các trực thăng có người lái cỡ lớn.

(Nguồn: datviet )