Tàu tư nhân chuẩn bị kết nối với ISS
Dragon, phi thuyền tư nhân đầu tiên chở hàng lên quỹ đạo, sẽ ghép nối với Trạm Không gian Quốc tế (ISS) trong vài giờ tới.
Hình minh họa phi thuyền Dragon
Hình minh họa phi thuyền Dragon ghép nối với ISS tại một cổng bên dưới trạm. Ảnh: SpaceX.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo Dragon, phi thuyền của tập đoàn SpaceX, đang tiến tới gần ISS sau khi bám theo trạm trên quỹ đạo. Khi Dragon tới sát ISS, các phi hành gia trong trạm sẽ "tóm" nó bằng cánh tay robot và giúp nó ghép nối với trạm qua một cổng bên dưới trạm, BBC đưa tin.

Bà Holy Ridings, quan chức NASA phụ trách chuyến bay của Dragon, thông báo hai vật thể sẽ bắt đầu ghép nối vào lúc 15h30 hôm nay GMT (0h30 sáng sớm mai theo giờ Việt Nam).

"Chúng tôi cảm thấy phấn khích với những diễn biến của chuyến bay", Ridings phát biểu.

Tên lửa Falcon 9 đưa tàu Dragon lên quỹ đạo hôm 22/5. Tàu tới quỹ đạo sau 9 phút từ khi tên lửa rời bệ phóng. Sau đó nó bay quanh địa cầu và liên tục tăng độ cao để tới gần ISS. Khi tàu cách trạm 2,5 km, các hệ thống dẫn đường, điều khiển và liên lạc của tàu đã hoạt động thử để chuẩn bị cho nỗ lực ghép nối. Don Petit và Andre Kuipers, hai phi hành gia trong trạm, phát mệnh lệnh bật một bóng đèn tới tàu và nó đã đáp ứng mệnh lệnh.

Vụ phóng Dragon là một sự kiện lịch sử, bởi nó là phi thuyền đầu tiên thuộc sở hữu của tư nhân bay tới Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Từ trước tới nay các phi thuyền bay vào vũ trụ đều thuộc sở hữu của chính phủ. NASA coi chuyến bay của Dragon là một thử nghiệm. Trên thực tế, phi thuyền mang theo những thứ không quan trọng nhằm đề phòng trường hợp sự cố xảy ra. Song nếu nó kết nối thành công với ISS, tập đoàn SpaceX sẽ ký hợp đồng vận chuyển tới ISS. Trị giá của hợp đồng lên tới 1,2 tỷ USD, với tối thiểu 12 chuyến bay.

NASA đã tài trợ 800 triệu USD cho SpaceX và Orbital Science Corporation - hai tập đoàn công nghệ tại Mỹ - để họ phát triển tên lửa đẩy và phi thuyền thế hệ mới. Orbital Science Corporation đã chế tạo tên lửa Antares và phi thuyền Cygnus. Chúng sẽ bay lên quỹ đạo trước ngày cuối cùng của năm 2012.

(Nguồn: vnex )