Giám sát ô nhiễm môi trường bằng rô bốt cá
Các nhà khoa học châu Âu vừa đưa một loại rô-bốt hình cá giám sát ô nhiễm môi trường từ phòng thí nghiệm ra thử nghiệm tại cảng biển Gijon, phía bắc Tây Ban Nha.

Rô-bốt cá trên có chiều dài 1,5 mét (5 feet), chạy bằng pin được thiết kế để bơi như con cá thật, có thể tránh các chướng ngại, có khả năng liên kết bản đồ để trở về vị trí xuất phát và được trang bị cảm biến để nhận ra các chất ô nhiễm bị rò rỉ từ tàu hoặc các đường ống dưới đáy nước, đặc biệt bộ cảm biến này phân tích các chất ngay tại chỗ chứ không cần thu thập gửi về phòng thí nghiệm.
 
Ngoài ra,  các rô-bốt cá còn có khả năng bơi độc lập, phối hợp với nhau và truyền tải các tín hiệu thu được tới trạm thu trên bờ cách xa khoảng một cây số.

Rô-bốt giám sát ô nhiễm môi trường nước có khả năng bơi như cá (Ảnh: Reuters)


Rô-bốt cá giám sát ô nhiễm dự định sẽ được bán cho các cơ quan chức trách, các công ty nước, hồ cá cảnh và bất kỳ ai quan tâm tới việc theo dõi chất lượng nước. Ngoài ra, rô-bốt còn có thể làm sạch sự cố tràn dầu, giám sát an ninh dưới nước, giúp thợ lặn tìm kiếm cứu hộ trên biển.

Sau khi hoàn thành thử nghiệm trong tuần này, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét sửa đổi những phần cần thiết để đưa rô-bốt cá vào sản xuất thương mại, nhằm giảm giá thành sản phẩm.

(Nguồn: datviet )