Dự án FGFA, con đường quá lắm chông gai
Bảy năm sau khi công bố kế hoạch, BQP Ấn Độ bất ngờ tuyên bố chương trình FGFA bị chậm thêm 2 năm nữa.

FGFA - Chương trình phát triển và chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm giữa Nga và Ấn Độ.

Bộ Trưởng Quốc phòng A K Antony trước đó nói rằng, FGFA sẽ đi vào phục vụ trong không quân từ năm 2017.

Tuy nhiên, hôm 13/4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ M M Pallam Raju tuyên bố: "Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA được lên kế hoạch được thông qua vào năm 2019, sau đó việc sản xuất loạt mới được bắt đầu".

Tuyên bố của ông Raju đã dập tắt nhiều hy vọng của các quan chức Ấn Độ, bởi nếu như thế, máy bay sẽ bị chậm lại 2 năm nữa. Trong khi đó, nước này rất cần FGFA để đối trọng với chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc.

FGFA có thể nói là một dự án hàng đầu cho hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ.

Cả hai quốc gia này hứa hẹn cùng nhau tạo ra chiến đấu cơ tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng các cuộc phỏng vấn mới đây với các nhà thiết kế của Ấn Độ, những người tham gia giám sát dự án này đã tỏ ra lo lắng đáng kể.

Họ lo ngại rằng chi phí phát triển FGFA sẽ có thể vượt xa ngân sách tài trợ 6 tỷ USD ban đầu, bởi số tiền này chỉ phản ánh chi phí phát triển cơ bản, và sẽ phải trả thêm nhiều tiền nữa cho các hệ thống hàng không quan trọng.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm PAK FA Sukhoi T-50 của Nga được cho là nguyên mẫu của dự án FGFA.

Đối với Ấn Độ, các nhà thiết kế của họ nói rằng, FGFA sẽ cung cấp cho họ những kinh nghiệm vô giá trong việc thử nghiệm và đánh giá một chiến đấu cơ hạng nặng có kích cỡ lớn hơn và phức tạp hơn so với máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas, để tạo nên nền tảng mới cho ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ. 

Tập đoàn hàng không HAL (Hindustan Aeronautics Limited) đang hợp tác với Sukhoi để chuyển đổi từ PAK FA thành FGFA, đáp ứng các yêu cầu của Không quân Ấn Độ (IAF) như khả năng tàng hình, bay hành trình siêu âm, liên kết số hóa thời gian thực với các hệ thống chiến trường khác và radar hàng không có tầm phát hiện máy bay xa hơn kẻ địch.

Không quân Nga và Ấn Độ mỗi bên lên kế hoạch sẽ chế tạo khoảng 250 chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, có giá dự kiến 100 triệu USD/chiếc. Mỗi bên sẽ phải chi ra khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ chương trình của mình.

Nhưng Sukhoi nhấn mạnh, PAK FA đã đáp ứng được các yêu cầu của Không quân Nga, tức là máy bay đã đáp ứng cả những yêu cầu của Không quân Ấn Độ.

Thiết kế trưởng của HAL N C Agarwal, người đã từng dẫn đầu đoàn đàm phán về dự án FGFA với Sukhoi cho rằng, Ấn Độ đang lo lắng Nga có thể yêu cầu nước này trả nhiều tiền hơn nữa để đẩy mạnh tiến độ, đặc biệt là các hệ thống điện tử hàng không (avionic). Khi đó, số tiền 6 tỷ USD sẽ chỉ như "một miếng rẻ rách mà thôi."

IAF rõ ràng muốn có được những công nghệ tiên tiến nhất cho FGFA. Theo ông Ashok Nayak, quan chức cấp cao của tập đoàn HAL trước khi nghỉ hưu đã nói, IAF đã xác định phải có 40 - 45 cải tiến phải thực hiện ở PAK FA. Những yêu cầu này đã được đồng ý ký kết trong một thỏa thuận giữa Nga và Ấn Độ.

Một yêu cầu quan trọng của IAF là FGFA phải được trang bị radar quét toàn cảnh 360 độ AESA (radar hàng không quét điện tử chủ động) chứ không phải là radar AESA do Nga phát triển.

Dù bằng cách nào, Ấn Độ sẽ phải trả thêm tiền cho Nga, cho các hạng mục hoặc là giấy phép sản xuất radar Nga, hoặc hàng trăm triệu USD, và có thể cả hàng tỷ USD cho việc phát triển một "radar mạnh nhất thế giới", radar 360 độ AESA.

Một hay hai người ngồi?

Ấn Độ cũng chưa xác định rõ rằng FGFA sẽ nên là một chiến đấu cơ một chỗ ngồi giống như PAK FA hay là hai chỗ ngồi giống như Su-30MKI.

Một số quan điểm trong IAF ủng hộ phát triển FGFA một chỗ ngồi, trong khi những người khác lại thích hai phi công trên một máy bay để hỗ trợ chiến đấu.

Trong giai đoạn thiết kế sơ bộ (PDP), Ấn Độ đã chi 295 triệu USD để hai bên cùng xác định nên phát triển biến thể PAK FA hai người ngồi hay không (chắc chắn sẽ cồng kềnh hơn) và sẽ làm giảm khả năng tàng hình của FGFA, hiệu quả hoạt động vì thế cũng sẽ không thể chấp nhận được.

"FGFA một chỗ ngồi là điều cần thiết cho Không quân Ấn Độ, và chúng tôi sẽ chuyển một chỗ ngồi của Nga thành phiên bản một chỗ ngồi của chúng tôi với phần lớn các hệ thống hàng không của Ấn Độ. Biến thể 2 chỗ ngồi sẽ phụ thuộc vào các kết luận của PDP", ông Nayak nói.

Phác họa về tiêm kích FGFA (trái) với một người ngồi.

PDP cũng yêu cầu Sukhoi bàn giao tài liệu thiết kế cho HAL, cung cấp cho họ một cái nhìn chi tiết vào quá trình thiết kế của PAK FA bởi khi Ấn Độ mất quá nhiều năm để quyết định tham gia hay không tham gia FGFA, HAL đã bỏ lỡ toàn bộ giai đoạn thiết kế này.

Theo Chủ tịch tập đoàn HAL, giai đoạn thiết kế sơ bộ (PDP) 18 tháng sẽ kết thúc trong năm 2012, sau đó là giai đoạn R&D có thể mất thêm 7 năm, FGFA sẽ được thiết kế ở cả hai nước, gồm 100 kỹ sư của HAL đang làm việc ở Bangalore và một nhóm khác sẽ tới Nga để làm việc trong văn phòng thiết kế Sukhoi.

"Những kỹ sư của chúng tôi sẽ học tiếng Nga, tìm cách làm việc, qui tắc thiết kế cà các yêu cầu thiết kế của họ (Sukhoi). Chúng tôi sẽ là cánh tay trái của họ. Nga sẽ thực hiện phần lớn thiết kế trong dự án này", ông Nayak nói.


(Nguồn: datviet )