Ra lò mẻ dầu công nghiệp đầu tiên từ rác thải
Dự án Công nghệ xử lý chất thải rắn giai đoạn 1 tại bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) sáng 20.4 đã cho ra lò mẻ dầu công nghiệp đầu tiên được sản xuất từ rác thải nylon.

Chủ đầu tư dự án - Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam - cho biết, từ rác thải hỗn tạp, nylon được tách lọc, rũ bụi đất, độ ẩm, băm nhỏ, hóa dẻo và xử lý hóa chất.

Sau đó, hỗn hợp nói trên được đưa vào nồi phản ứng, thực hiện quá trình cracking chuyển hóa nylon thành dầu và khí, dưới tác dụng của nhiệt và chất xúc tác.

 
Dây chuyền sản xuất dầu công nghiệp từ rác thải nylon 

“Dầu PO, RO từ nylon phế thải có nhiệt trị cao, giá thành thấp hơn 10 - 15% so với dầu DO, FO nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cho ngành công nghiệp sản xuất. Nó có khả năng thay thế nguồn năng lượng dầu đốt nhập khẩu hiện tại trong công nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam nói.

Trung bình, mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận khoảng 600 tấn rác thải các loại, trong đó khoảng 8% là nylon, tương đương 50 tấn.

Theo tính toán của Công ty CP Môi trường Việt Nam, trung bình 3 tấn nylon qua xử lý sẽ được 1 tấn dầu.

Hiện công ty đang sản xuất khoảng 9 tấn dầu/ngày và khi vận hành hết công suất có thể đạt 17 tấn dầu/ngày.


Từ rác thải xử lý thành than, phân sinh học, dầu, xăng PO và gạch block

Hiện giai đoạn 2 của dự án đang tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư hai giai đoạn là 520 tỉ đồng.

Ngoài rác thải nylon đã hóa dầu, dây chuyền sẽ phân loại thủy tinh, kim loại, nhựa cứng bán cho đơn vị tái chế; sành sứ, đất đá, xà bần phục vụ sản xuất gạch block; các chất hữu cơ khó phân hủy dùng làm chất đốt tận thu nhiệt; hỗn hợp hữu cơ sạch được chiết tách sản xuất viên đốt sinh học và phân sinh học.

Theo ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng, sản xuất dầu đốt PO từ nylon là công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Dự kiến trong 5 - 10 năm nữa, bãi rác Khánh Sơn hiện tại sẽ quá tải. Việc tìm bãi rác mới là rất khó, cho nên công nghệ xử lý chất thải rắn của Công ty CP Môi trường Việt Nam rất có giá trị khi tận thu đến 90% lượng rác thải để tạo nên những sản phẩm có ích. Tỷ lệ chôn lấp rác sau khi xử lý theo đó chỉ còn 10%.

(Nguồn: TNO )