Cái chết báo trước của máy ảnh, quay video?
Sự kiện Cisco khai tử dòng máy quay video bỏ túi Flip đã phản ánh xu hướng dùng thiết bị công nghệ của người dùng, đó là chuyển sang những thiết bị “tất cả trong một”. Sự thật có đúng như thế?

Điện thoại thông minh (smartphone) có thể đã trở thành những con dao Thụy Sĩ đa năng của thế kỉ 21, vừa là phương tiện truyền thông, vừa để giải trí, chụp ảnh, thực hiện cuộc gọi, nghe nhạc, lướt web…. Cùng với một số ứng dụng nữa, smartphone có thể thay thế mọi thứ, từ báo giấy đến máy nghe nhạc MP3 và đến loại máy quay bỏ túi giờ đã tuyệt chủng của Cisco.

Khi điện thoại ngày càng trở nên tiên tiến, người dùng sẽ sử dụng những thiết bị độc lập có năng lực mạnh mẽ, đa chức năng – điều này sẽ khiến những thiết bị “đơn năng” bị ruồng bỏ và sớm muộn sẽ biến mất.

“Xu hướng hiện nay là hướng tới những thiết bị đa chức năng”, Jason Oxman, phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng nói. “Họ muốn có thể mang toàn bộ nội dung, dữ liệu bên mình và chỉ hội tụ trong một thiết bị mà thôi”.

Mặc dù vẫn còn nhiều người mua máy ảnh, máy quay số trong những năm gần đây, song tốc độ tăng trưởng doanh số của loại thiết bị này đang mờ nhạt dần so với sự tăng tốc của smartphone. Số hộ gia đình Mỹ có smartphone đã tăng gần gấp đôi trong 2 năm, từ 23% năm 2009 lên 41% năm 2011.

Nhưng người dùng có thực sự có “tất cả trong một” – từ sự thuận tiện, chất lượng và độ tin cậy - ở một thiết bị duy nhất là smartphone? Hay họ đang phải trả giá cho sự lựa chọn công nghệ hội tụ này? Smartphone mang lại sự kết nối hầu như mọi lúc mọi nơi, và dễ sử dụng, nhưng lựa chọn thiết bị tất cả trong một cũng có nghĩa là người dùng vì sự tiện ích đã phải hi sinh chất lượng. Những bức ảnh và video quay được qua smartphone không thể bằng chất lượng của sản phẩm do chính chiếc máy ảnh, máy quay sản xuất ra, với những tính năng như phóng to, nhận diện khuôn mặt….

“Thiết bị càng có nhiều chức năng, chất lượng càng kém, so với những thiết bị chỉ có duy nhất một chức năng”, Oxman nói.

Tuy nhiên, khoảng cách chất lượng đang ngày càng thu hẹp. ĐTDĐ và thập chí máy MP3 như iPod Touch đang nhanh chóng chiếm lĩnh sân chơi với những công nghệ cho phép chúng chụp những bức ảnh độ phân giải cao hơn, chất lượng tốt hơn trước. Trước đây, những bức ảnh chụp bằng ĐTDĐ luôn bị nhiễu, nhỏ và hầu như không thể dùng được, nay nhiều đám cưới, bộ phim đã được thực hiện hoàn toàn bằng điện thoại. Chiếc camera trên iPhone 4 có thể sánh ngang với loại camera kĩ thuật số có trên thị trường. Và máy quay video Flip với độ phân giải 720p cũng chỉ tương đương chất lượng của iPhone 4 hoặc chiếc ThunderBolt của HTC.

“Có một số người vẫn muốn dùng những sản phẩm “đơn năng” vì có thể họ cần một chất lượng cao hơn hoặc một sự trải nghiệm khác hơn”, Oxman nói. “Nhưng camera trên điện thoại tiếp tục được nâng cấp, vì thế nhu cầu mua những thiết bị camera sẽ giảm dần theo thời gian”.

Ngoài ra, các chuyên gia đang khuyến cáo sự chuyển hướng sang những thiết bị đa chức năng có thể khiến người dùng phải đối mặt với rủi ro quyền riêng tư bị xâm phạm. Một chiếc máy ảnh Nikon có thể chỉ để chụp ảnh, nhưng sự hạn chế về chức năng của nó cũng đảm bảo nó không thể tiết lộ gì ngoài mong muốn của người dùng. Trong khi đó, nhiều điện thoại GPS sẽ gắn kèm địa điểm của bức ảnh được chụp, và có thể lộ ra những điều người dùng không mong muốn.

“Nếu không để ý, khi tải ảnh từ điện thoại lên, bạn có thể sẽ đang nói cho cả thế giới biết bạn đang đứng ở đâu vào khoảnh khắc bạn chụp ảnh”, Robert Vamosi, tác giả cuốn sách “When Gadgets Betray Us”, nói. “Như thế nghĩa là nếu mọi người tải ảnh chụp từ điện thoại lên Internet, họ cũng đồng thời công bố một số thông tin cá nhân lên mà nhiều khi bản thân họ không hề hay biết”.

Với việc smartphone biết chụp ảnh có mặt khắp mọi nơi, mọi người cũng đối mặt với nguy cơ bị “quay lén” bởi một người dùng smartphone khác.

Bởi thế, theo các nhà phân tích, sự chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị điện tử đa chức năng chỉ có thể chứng tỏ về sự phổ biến của các thiết bị điện tử tiêu dùng. Những thiết bị đơn năng như máy quay video hay hệ thống GPS có thể đang bị smartphone chèn ép, song nhu cầu về những thiết bị chất lượng cao, chuyên nghiệp vẫn rất mạnh. Chắc chắn những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người hâm mộ các bộ môn như nhiếp ảnh vẫn có nhu cầu mua các thiết bị chuyên dụng này.


(Nguồn: Theo ICTnews )