Doanh nghiệp phần mềm quyết liệt hơn trong cuộc chiến bản quyền
Lạc Việt cùng Microsoft khởi kiện một doanh nghiệp vi phạm luật sở hữu trí tuệ do sử dụng phần mềm bất hợp pháp đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền phần mềm.


Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành giữa Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã thực hiện cuộc kiểm tra đột xuất công ty TNHH Gold Long John Đồng Nai và phát hiện một lượng lớn phần mềm không có bản quyền đang được sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Tổng giá trị của số phần mềm sử dụng bất hợp pháp ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng (khoảng 45.000 USD).

Đây cũng là cơ sở để Lạc Việt cùng Microsoft tiến hành khởi kiện doanh nghiệp trên ra tòa vì vi phạm luật Sở hữu trí tuệ và còn được xem là động thái quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính.

Theo ông Tarun Sawney Giám đốc phụ trách Chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) cho biết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần phải tuân thủ pháp luật, trong đó có luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm máy tính. Việc doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp không chỉ làm giảm sự hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam, mà còn ngăn cản sự phát triển của ngành phần mềm trong nước đồng thời tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Thống kê của BSA cho thấy tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực là 60%. So với năm 2004, tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam giảm từ 92% xuống còn 81% và được đánh giá là một trong những quốc gia có hành động tích cực bảo vệ doanh nghiệp phần mềm. Tuy nhiên để đạt được mức trung bình của khu vực thì Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm.

(Nguồn: voz.vn )