Tái tạo bộ não hư hỏng bằng vi chip
Nhà văn William Gibson trong truyện Johnny Mnemonic từng đề cập đến việc đưa các con chip điện tử siêu nhỏ chứa thông tin nhạy cảm vào não người. Ngày nay, một nhóm khoa học gia Mỹ tuyên bố họ có thể biến viễn tưởng này thành hiện thực.

Theo CNN ngày 11/5, công trình khôi phục trí nhớ bằng vi mạch điện tử (của Đại học Nam California, Đại học Wake Forest của Bắc Carolina và các đối tác) được đánh giá là một trong những đột phá công nghệ hàng đầu trong năm 2013. Dự án đã kéo dài trong một thập kỷ qua và dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên tình nguyện viên trong hai năm tới. Khả năng áp dụng vào thực tế để chữa bệnh trong 5 hoặc 10 năm.

Tái tạo bộ não hư hỏng bằng vi chip
Các bác sĩ thực hành phẫu thuật não trên robot - (Ảnh: CNN)

“Tôi không bao giờ nghĩ đời mình chứng kiến được điều này - giáo sư kỹ thuật y sinh Ted Berger thuộc Đại học Nam California nói trên CNN - Tôi có thể không hưởng lợi từ nó nhưng con cái tôi sẽ được hưởng”.

Các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm trên chuột và khỉ. Thí nghiệm cho thấy một số chức năng nhất định của não có thể được thay thế bằng các tín hiệu của các điện cực.

Các nhà khoa học tin rằng họ đã giải mã được cách những ký ức dài hạn được tạo ra, lưu trữ và truy xuất. Họ cũng tìm ra cách tái tạo quá trình này trong bộ não bị hư hỏng, đặc biệt là đột quỵ hoặc chấn thương.

Ông Berger cho biết họ đã ghi lại ký ức trong một khu vực không bị hư hại của bộ não, sau đó sử dụng dữ liệu này để dự đoán những gì một khu vực bị hư hỏng ở “hạ lưu” nên làm. Họ sử dụng điện cực để kích thích các khu vực bị hư hỏng sao chép các hoạt động của các tế bào không bị hư hại.

Nhóm cho biết nghiên cứu của họ không giống những gì đã được làm trước đó, chẳng hạn cấy ghép thiết bị vào não để hỗ trợ điều trị động kinh Pakinson. “Nó giống như sự khác biệt giữa một cây gậy để giúp bạn đi lại với một cái chân giả. Đó là hai cách tiếp cận khác nhau", ông Hampson nói, tuy nhiên biện pháp của họ không thể giúp những bệnh nhân bị mất trí nhớ nặng.

(Nguồn: Tuổi Trẻ )