Laser san mặt ruộng giúp nông dân làm giàu
Công nghệ này không mới, nhưng lần đầu tiên nó được áp dụng đại trà ở Long An và mở ra hướng đi mới trong việc trồng lúa.

Giữa cái nắng chói chang, anh Tư Khanh (Nguyễn Hữu Khanh, ấp Sậy Giăng, Vĩnh Hưng, Long An) trần lưng đôn đốc nhân công thu hoạch lúa. Đây là 2ha lúa mà anh đã hợp tác với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN Long An) sử dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng để trồng lúa. 

Hệ thống thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đang san mặt ruộng tại ấp Sậy Giăng, Vĩnh Hưng, Long An (Ảnh: C.Long)

Nhìn cánh đồng lúa OM4900 nặng trĩu hạt, vàng rợp đang thu hoạch, anh Tư Khanh cười khà khà: “Vụ này bội thu rồi, năng suất 7,5 – 8 tấn/ha. Thương lái mua lúa nhìn sẽ phát mê!”.

Laser đi qua, mùa bội thu đến

Tư Khanh cho biết, lúc đầu nghe cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đến đặt yêu cầu hỗ trợ việc san mặt ruộng bằng công nghệ laser, trong bụng anh đã mừng thầm. Anh Tư cho biết, sử dụng công nghệ laser khiến mặt ruộng từ chổ chênh lệch 3cm giờ chỉ còn 1,8cm; 2ha ruộng trước đây mất 10 giờ bơm nước/lần thì bây giờ chỉ cần 5 giờ để bơm (7 lần bơm/vụ); phân bón thì bớt được 2 bao/ha; lúa giống để gieo giảm còn 90-100kg/ha (so với trước là từ 120-130kg/ha)… 

Sơ đồ thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser (Ảnh tư liệu ĐH Nông lâm TP.HCM)

Tại cánh đồng lúa rộng 50 ha ở ấp Sậy Giăng, hiện có 20 hộ nông dân tham gia sử dụng công nghệ laser. Anh Trần Quang Khải, KS trưởng dự án, cho biết sử dụng công nghệ này vào đồng ruộng sẽ kéo mức chênh lệch của mặt ruộng về điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước. Mặt ruộng bằng phẳng sẽ giúp giảm các chi phí sản xuất khoảng 2,5 triệu đồng/ha. 

Theo KS Lê Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN, Chủ nhiệm Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa, tại vùng lúa chất lượng cao ở 4 huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An”, nếu lần đầu san bằng mặt ruộng bằng công nghệ laser phải đến năm năm sau mới làm mặt ruộng lại. 

Anh Nguyễn Hữu Khanh đang thu hoạch lúa trên cánh đồng sử dụng công nghệ laser san mặt ruộng (Ảnh: C.Long)

Vụ lúa Hè Thu năm 2012, Long An ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng trên diện tích 200 hécta tại 4 xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng), Thạnh Hưng (Mộc Hóa), Hưng Thạnh (Tân Hưng) và Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh) với hơn 90 hộ tham gia. Ngày 17.7, đoàn Sở KH-CN tỉnh Long An do ông Nguyễn Thanh Bình –Phó giám đốc sở, làm trưởng đoàn, cùng các kỹ sư, giảng viên trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã đến khảo sát ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng tại xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng). 

Qua khảo sát, đoàn rất phấn khởi vì bước đầu ứng dụng trên cho hiệu quả rất cao. Năng suất bình quân đạt 6 tấn/hécta, tăng 1 từ 1-1,5 tấn/ha và giá cao lúa được thu mua cao hơn từ 500 - 1.000 đồng (hiện giá 6.300 đồng/kg đối với giống lúa VĐ 20 và 5000 đồng/kg đối với giống lúa OM4900), so với diện tích không ứng dụng công nghệ laser.

Long An mở đột phá

Thực ra, nhiều tỉnh trong cả nước đã thực hiện công nghệ laser vào đồng ruộng, tuy nhiên chỉ ở mức “trình diễn” rồi ngắc ngứ, không thể đưa vào triển khai đại trà. Vậy đâu là nguyên nhân một công nghệ hiện đại với nhiều lợi ích trong nông nghiệp lại “không có đầu ra”?

Anh Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, An Giang), người nông dân đầu tiên sử dụng laser để san mặt ruộng trồng lúa bên cánh đồng lúa của mình (Ảnh: C.Long)

KS Dũng cho biết vấn đề mấu chốt do chi phí đầu vào quá cao và nông dân cũng chưa thấy cái lợi lâu dài của công nghệ laser. “Để đầu tư vào công nghệ này phải mất 700 - 800 triệu đồng (máy kéo, bộ laser). Bên cạnh đó, một năm chỉ sử dụng công nghệ này trong việc trồng lúa khoảng 2 tháng. Như vậy, theo tính toán của nông dân, đầu tư công nghệ laser không hiệu quả bằng mua một máy gặt đập liên hợp có thể thu hồi vốn nhanh”, KS Bình nói. 

Theo TS Phan Hiếu Hiền, Tư vấn Dự án IRRI (Viện Lúa quốc tế), năm 2004, Ấn Độ chỉ có bộ laser đầu tiên ứng dụng trong nông nghiệp. Thế nhưng hiện nay, Ấn Độ đã có khoảng 10.000 bộ laser ứng dụng trong nông nghiệp, trong khi Việt Nam chỉ có… 10 bộ (6 bộ ở Long An).  

Tuy nhiên, từ “đột phá” của Long An, ứng dụng công nghệ laser vào đồng ruộng đã le lói một hướng mở. Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Long An, cho biết đã có một nhóm nông dân ở Vĩnh Hưng đang định đầu tư công nghệ này để mở dịch vụ san mặt ruộng bằng công nghệ laser. Tùy theo độ chênh lệch mặt ruộng mà mức chi phí san phẳng bằng công nghệ laser khác nhau. Nếu chênh lệch mặt ruộng dưới 10cm chi phí chỉ khoảng 2 triệu - 2,5 triệu đồng/ha. Trung tâm Ứng dụng KH-CN đã nhận được yêu cầu của một số nông dân cần san mặt ruộng bằng cộng nghệ laser cho vụ lúa sắp tới.  

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng kết hợp cùng các ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiến bộ khác sẽ là cơ sở giúp cho tỉnh Long An xây dựng thành công 40.000 ha lúa chất lượng cao theo quy hoạch trong thời gian tới.
(Nguồn: datviet )