Biến rác thải thành dầu đốt
Ngày 20/4, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố công nghệ xử lý chất thải rắn (bao gồm nylon) ra thành phẩm dầu đốt công nghiệp áp dụng tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (Đà Nẵng).
Với việc làm chủ công nghệ tiên tiến này, cùng với việc triển khai đầu tư hệ thống dây chuyền khép kín, đồng bộ trong giai đoạn 2, mục tiêu của dự án là tận thu, biến hơn 650 tấn rác thải rắn nguy hại thành các sản phẩm hữu ích, mang hiệu quả kinh tế cao như: Dầu đốt công nghiệp, khí đốt, than sinh học, phân bón, gạch block… Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 520 tỷ đồng, công suất thiết kế 650 tấn chất thải/ngày.


Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường VN Nguyễn Văn Tuấn (người cầm micro)
giới thiệu sản phẩm dầu đốt từ rác thải rắn nguy hại



Giai đoạn 1 dự án được triển khai trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường VN Nguyễn Văn Tuấn cho biết, dây chuyền công nghệ hiện tại này có khả năng tái chế từ 2-3 tấn nylon thành 1 tấn dầu thành phẩm.

Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai trên tổng diện tích 10 ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, với mục tiêu đảm bảo khả năng tách lọc, tái chế 90% tổng lượng rác thải rắn của toàn TP.Đà Nẵng để tạo ra các sản phẩm thay thế cho nguồn năng lượng dầu đốt vốn đang thiếu hụt. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, việc sản xuất dầu đốt như trên giúp tận thu 90% rác thải tạo sản phẩm có ích. Trong tương lai, chỉ còn 10% rác phải chôn lấp tại bãi Khánh Sơn.
(Nguồn: Báo Đất Việt )