Theo tờ Daily Mail,
danh hiệu cỗ máy nhanh nhất thế giới hiện thuộc về siêu máy tinh K do
công ty Fujitsu của Nhật chế tạo với kinh phí 1,2 tỉ USD. Siêu máy tính
này có tốc độ nhanh tương đương 1 triệu máy tính để bàn được kết nối với
nhau.
Với khả năng thực hiện 8 ngàn
triệu triệu phép tính trong một giây, siêu máy tính K được đánh giá là
có sức mạnh hơn gấp 3 lần máy tính giữ kỷ lục trước đó. (8 ngàn triệu triệu có 15 số 0 và trong thuật ngữ máy tính, tốc độ này được biết đến như là 8,2 petaflop).
Kẻ tiền nhiệm của siêu máy tính K là máy
tính Thiên Hà - 1A của Trung Quốc với tốc độ 2,507 petaflop. Nó từng là
đại diện cho sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung
Quốc. Nhờ máy Thiên Hà - 1A, lần đầu tiên Trung Quốc đã đứng đầu tốp 10
máy tính có tốc độ nhanh nhất thế giới, soán ngôi của Mỹ - nước có tới 4
máy tính lọt vào danh sách này.
Các chuyên gia nhận định, sự
phát triển của siêu máy tính K, với tốc độ nhanh hơn tốc độ tổng cộng
của 5 máy tính xếp liền sau nó, đánh dấu một bước tiến khổng lồ về công
nghệ. "Đây là một cỗ máy rất ấn tượng, mạnh hơn rất nhiều so với các máy tính khác",
giáo sư Jack Dongarra, người công bố danh sách các siêu máy tính hàng
đầu thế giới sáu tháng một lần, tuyên bố. Việc xếp hạng tốc độ của các
siêu máy tính dựa vào việc chạy một phương trình toán học tiêu chuẩn.
Siêu máy tính K hiện đang được đặt tại
một cơ sở giống nhà kho và được kiểm soát nhiệt độ ở Kobe, Nhật. Cỗ máy
khổng lồ này bao gồm 672 ô chứa các bảng mạch với gần 70.000 bộ vi xử
lý. Trong khi đó, một máy tính gia đình hoặc máy tính xách tay chỉ sử
dụng một bộ vi xử lý duy nhất.
Siêu máy tính K tiêu thụ lượng điện năng
đủ cung cấp cho 10.000 ngôi nhà. Và mặc dù các nhà sáng chế tuyên bố cỗ
máy sử dụng năng lượng hiệu quả nhưng chi phí duy trì hoạt động của nó
cũng lên tới 6 triệu Bảng (khoảng 9,7 triệu USD) mỗi năm.