Nghệ nhân Việt phục chế loa cổ 'huyền thoại'
Loa “huyền thoại” bass horn Tractrix 20hz trong một nhà hát của Đức năm 1951 với còi western electric horn từ 1930 được nghệ nhân Sơn Loa tại TP HCM phục chế thành công và cho ra đời bộ dàn âm thanh siêu khủng.

Với kinh nghiệm 25 năm trong nghề đóng thùng và lắp ráp loa cho những tín đồ mê âm nhạc, nghệ nhân Sơn Loa (Nguyễn Hùng Sơn), chủ thương hiệu loa tranh nổi tiếng ở Việt Nam vừa chế một dàn âm thanh mà chỉ cần nhìn, chưa đến nghe thì độ hoành tráng của nó cũng làm mọi người choáng ngợp.

Mày mò trong xưởng chế tác, phá bỏ đi làm lại nhiều lần, mất nhiều tháng, hình hài những chiếc loa cổ được giới âm thanh xem như là một trong những "huyền thoại" trên thế giới đã nên hình hài.

Dàn loa trưng bày trên tầng 1 của phân xưởng nghệ nhân Sơn Loa gồm 5 loa với "trái tim" là còi bass horn được làm dựa trên bản vẽ bass horn Tractrix từ năm 1951.

Cùng với kinh nghiệm của mình, anh Sơn đã đóng lại loa cổ này với chiều ngang 2,4 m, cao 2 m, khi đặt lên, loa gần như chiếm trọn diện tích của một bức tường. Loa được gắn củ JBL 2226H 1.000 w, độ nhạy 97 db, đây là dòng bass đầy uy lực của hãng JBL, Mỹ.

Dàn âm thanh hoành tráng của anh Sơn loa. Ảnh Kiên Cường
Dàn âm thanh hoành tráng của anh Sơn Loa. Ảnh: Kiên Cường.

Phần mid-bass của dàn âm thanh được đảm nhiệm bởi 2 thùng Onken, thùng mà khi nhắc tới thì những tín đồ trong và ngoài nước đều biết tới là cho ra chất âm mid-bass rất hay. Driver (củ loa) được lắp đặt là Altec 402.

Dãi mid-treble do 2 còi western electric horn, một trong những loại còi hay nhất xuất hiện vào năm 1930 và nó cũng khó phục chế nhất dù đã có bản vẽ hoàn chỉnh.

Điểm hay của còi là triệt tiêu những sóng âm cao và tạo ra những chất âm mộc để giao thoa các dải tần với nhau, driver được nghệ nhân tích hợp vào 2 còi này là Altec 228-16k. Cao nhất là dải super treble đóng vai trò khá khiêm tốn với Fostex T90H.

"Đây là niềm mơ ước của các DIY (người chơi âm thanh theo cách của riêng mình). Tôi chỉ muốn tìm một chất âm trung thực, đây là sự đam mê, chia sẻ và tận hưởng với những tín đồ âm thanh", nghệ nhân Sơn Loa nói về mục đích khi mình tự tay đóng và setup dàn âm thanh này.

Giải thích rõ hơn, anh Sơn cho biết, thùng là bộ phận quan trọng nhất để cho ra chất âm, sau mới đến việc cân chỉnh, phối ghép các dải tần với nhau nên việc đóng thùng loa luôn đòi hỏi kinh nghiệm và rất khó làm.

"Điều người nghe thường gặp là thiếu ở dải trầm, tốc dộ âm thanh không đi nhanh để đuổi kịp những dãi trên. Tôi đã thử dãi bass mà loa bass horn cho ra và chất âm đáp ứng được sự cảm nhận về âm vực", anh Sơn nói.

Ngoài ra, điểm khó khi setup dàn máy là kinh nghiệm chọn lựa củ (driver) đầu vào, dàn máy hiện có, thể tích phòng, rồi cân chỉnh để giao thoa các dãi tần với nhau. Một ví dụ là cây đàn khi có thùng đàn, dây đàn, thì việc khó nhất vẫn là lên dây đàn.

Ông Phạm Duy Hàn, một chuyên gia chơi DIY tại Sài Gòn, đánh giá: "Từ trước đến nay chưa được thấy cái loa nào lớn như thế này và tôi tin với kinh nghiệm của Sơn thì hệ thống setup này sẽ thành công. Dù chưa nghe nhưng hệ thống rất hoành tráng cùng với việc chọn lựa linh kiện đầu vào bài bản thì đây sẽ là dàn âm thanh rất hay. Nghiệp DIY là luôn muốn tìm ra một chất âm cho riêng mình và tìm tòi nó".

Anh Sơn cho biết đây là dàn không phải để mua bán mà là đi tìm một chất âm mới để chia sẻ với những tín đồ mê nhạc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực tế về dàn âm thanh này. Dự kiến, nghệ nhân Sơn Loa sẽ có buổi trình làng sản phẩm của mình vào trước tháng 9 năm nay.

(Nguồn: vnexpress.net )