'Không để băng rộng trở thành "đặc quyền" của người giàu'
Muốn hướng tới một nền kinh tế băng rộng thành công, theo đại diện UNESCO, Việt Nam cần phải đảm bảo được tính công bằng trong việc tiếp cận công nghệ của toàn bộ dân số, tránh tình trạng quản lý quan liêu, lệch lạc, khiến cho công nghệ trở thành đặc quyền riêng của một số ít người.
Băng rộng và sự hội tụ công nghệ đang đưa thế giới tiến nhanh vào xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức, tuy nhiên bên cạnh những cơ hội để phát triển kinh tế, các quốc gia mới nổi cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực, chính sách, thị trường, về tài nguyên viễn thông và an toàn thông tin.

Với chủ đề Sáng kiến về chính sách và chiến lược hướng tới nền kinh tế băng thông rộng, Diễn đàn Chính sách và thể lệ APT do Bộ Thông tin - Truyền thông và Liên minh Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong ba ngày 17-19/5 chính là nhằm lắng nghe các đề xuất, kiến giải, chia sẻ của các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách để tháo gỡ bài toán hai mặt nói trên.

Hơn 120 đại biểu đến từ 41 quốc gia, trong đó có một số đại biểu cấp Bộ trưởng, sẽ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về hoạch định và thực thi các chính sách phát triển viễn thông, CNTT, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về giải pháp, công nghệ, ứng dụng CNTT để hướng tới một môi trường phát triển viễn thông và CNTT bền vững, ổn định, an toàn.

Phát biểu tại diễn đàn, các học giả khẳng định băng rộng và hội tụ công nghệ đã góp phần giải quyết một cách hiệu quả những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra....Nhiều quốc gia thành viên của APT đã cập nhật chính sách, chiến lược phát triển viễn thông tại nước mình, cũng như giới thiệu một số giải pháp công nghệ dịch vụ băng rộng mới, phù hợp với điều kiện của các quốc gia đang phát triển.

Đối với Việt Nam, theo đề án Phát triển và hoàn thiện Hạ tầng viễn thông và CNTT, băng rộng là một trong 6 mục tiêu lớn cần đạt được từ nay đến năm 2020, như một tiền đề của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đánh giá của đông đảo các chuyên gia, băng rộng sẽ giúp cải thiện đời sống người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại hóa nông nghiệp và sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân một cách nhanh chóng, trực tiếp, hiệu quả.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trần Đức Lai cam kết VN sẽ tiếp tục chú trọng các chính sách và giải pháp liên quan đến phát triển viễn thông, CNTT ở khu vực nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh để giúp thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị, tạo điều kiện để tất cả người dân đều có thể tiếp cận công nghệ mới. Thứ trưởng Lai cũng yêu cầu các địa phương cần có chính sách quyết liệt đi đôi với kế hoạch hành động cụ thể để sớm phổ cập băng rộng tới từng hộ dân.

Chia sẻ tại với Thứ trưởng, đại diện UNESCO cho rằng Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa nếu muốn đạt được mục tiêu tham vọng mà Chính phủ đã đề ra. Có rất nhiều nước đã thành công trong việc ứng dụng CNTT để phát triển giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn hóa và đó chính là những kinh nghiệm, bài học thực tiễn quý giá để Việt Nam tham khảo. Tuy nhiên, UNESCO lưu ý Việt Nam cần đảm bảo sự công bằng trong việc ứng dụng CNTT vào xã hội trong tiến trình phát triển của mình. "Phải đảm bảo để khi ICT được sử dụng, nó sẽ không trở thành đặc quyền của một số ít người. Nên nhớ rằng, chúng ta dùng ICT để thu hẹp khoảng cách số chứ không phải để đào sâu, nới rộng nó thêm".
(Nguồn: Vietnamnet.vn )