|
10 thất bại thảm hại nhất trong ngành CNTT. |
|
|
Tạp chí PC Plus vừa liệt kê 10 công ty công nghệ đã từng có những cơ hội bằng vàng nhưng họ lại không biết nắm lấy. Có thể đây cũng là những bài học giá trị cho những doanh nghiệp CNTT trong nước. |
|
Đó là những cơ hội kinh doanh giống như trong một cuộc đua khi mà bạn có
được 1 khoảnh khắc nào đó vượt lên dẫn đầu nhưng lại để đối phương vượt
qua mặt. Tuy nhiên, không phải vì đối phương mạnh hơn, giàu hơn hay
sáng suốt hơn, mà vì chính các công ty đó lại tự thụt lùi để cho đối
phương qua mặt. Ta cùng điểm qua 10 công ty công nghệ này, xem liệu
những gì PC Plus đưa ra có thực sự thuyết phục.
1. Nokia
Hồi đầu năm 2007, Nokia là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế
giới và lúc đó họ có chiếc N95, là điện thoại thông minh đầu tiên thực
sự hướng đến người dùng phổ thông, không phải doanh nhân. Nhưng vài
tháng sau, Apple tung ra iPhone, và Nokia chỉ còn biết "hít khói". Đáng
tiếc hơn là trước đó khá lâu, hồi năm 2004, Nokia từng trình diễn một
mẫu điện thoại màn hình cảm ứng, có khả năng lướt web. Nhưng họ lại bỏ ý
tưởng ấy vì cho rằng chi phí sản xuất, phát triển quá tốn kém.
Một "nước cờ" phí khác, dù đã đi trước, của Nokia là họ cũng từng có ý
tưởng về ứng dụng di động, mà lúc ấy Nokia đặt tên là WidSets trước khi
Apple biến ý tưởng đó thành một hiệu ứng cho riêng họ. Trong 4 năm trời,
WidSets có mặt trong Ovi Store của Nokia nhưng chỉ là một hình ảnh nhạt
nhoà trước cửa hàng trực tuyến App Store rất thành công của Apple.
Và kết quả là thay vì chiếm thế thượng phong về thị trường điện thoại
thông minh màn hình cảm ứng và cửa hàng ứng dụng di động, nay Nokia lại
còn bị chèn ép đến mức phải bắt tay cùng Microsoft để "sinh tồn".
2. Real Networks
Lúc này, bạn có thể xem video hoặc nghe nhạc trực tuyến mà không cần cài
đặt RealPlayer lên máy tính. Còn trước đây, ứng dụng này được kèm theo
Windows 98.
Tuy nhiên, Real Networks lại khiến người dùng của họ phải "sôi máu" lên
vì những ứng dụng công nghệ không đúng chỗ. RealPlayer từng có thói quen
cài làm chương trình chạy mặc định cho bất kì loại tập tin giải trí
nào, cho dù bạn không yêu cầu nó. Hơn nữa, chương trình này lại còn hiện
ra nhiều cửa sổ pop-up rối mắt, biến khay Windows thành một thùng chứa
tạp nham. Và đỉnh điểm là vụ việc dính líu đến bảo mật hồi năm 1999 khi
phần mềm Jukebox bị lỗi khiến Real Networks phải lật đật vá lỗi ấy.
Khi Internet ngày càng hướng đến một môi trường mở và những định dạng
không ràng buộc về sỡ hữu trí tuệ thì cũng là lúc RealPlayer mất đi vị
thế vốn có. Theo thống kê của Nielsen, hồi năm 2000, RealPlayer là ứng
dụng nghe nhìn được nhiều người dùng nhất nhưng đến năm ngoái, nó rớt
xuống vị trí số 5.
3. QuarkXPress
Vẫn tiếp tục đưa ra phiên bản 9 nhưng QuarkXPress không còn ngồi trên "ngôi vương" như thời buổi đầu.
QuarkXPress là ứng dụng chế bản điện tử đầu tiên có đủ khả năng thay thế
hoàn toàn phương thức dàn trang và sắp chữ truyền thống cho một bản in.
Chỉ trong vòng 10 năm từ khi xuất hiện hồi năm 1987, nó đã chiếm đến
90% thị phần xuất bản phẩm trên máy tính để bàn.
Dù vậy, thành công của Quark chỉ là một khoảng thời gian ấy. Trong suốt
10 năm họ chỉ đưa ra thêm được vài tính năng và bỏ sót vài tính năng
quan trọng khác, trong đó có khả năng xuất bản ra định dạng PDF. Trong
khi đó, Mac OS và Windows liên tiếp cải thiện, tái thiết giao diện người
dùng của họ, Quark hầu như đứng yên tại chỗ.
Đến năm 2001, mọi chuyện còn tệ hơn cho Quark khi Apple giới thiệu hệ
điều hành OS X mới, còn QuarkXPress trong vòng 2 năm trời chỉ có 1 cập
nhật để có thể chạy được trong hệ điều hành OS X này, khiến nhiều người
dùng rất thất vọng. Thất vọng hơn nữa là CEO của Quark, ông Fred
Ebrahimi thay vì đưa ra cách giải quyết, lại cho rằng ai không ủng hộ
Quark nữa có thể chuyển sang "một thứ khác".
Đương nhiên, hầu hết người dùng chuyên nghiệp đều theo lời khuyên ấy. Từ
năm 1999, Adobe đã đưa ra công cụ cạnh tranh InDesign và có tập tính
năng hơn hẳn QuarkXPress, có giao diện chi tiết hơn và có lộ trình cập
nhật nhanh hơn. Còn hiện nay, thị phần của Quark chỉ chiếm khoảng 25%,
và cho dù QuarkXPress đã lên đến phiên bản 9 nhưng ngày tàn của
QuarkXPress được cho là đang dần đến gần.
4. Iomega
Iomega Zip 750 từng là sản phẩm lưu trữ "đầu bảng" của nhiều tạp chí
công nghệ, nhưng vì sai lầm trong chiến lược của Iomega đã khiến hãng
phải trả giá.
Từ thời chưa có ổ cứng gắn ngoài, Iomega là "vua" lưu trữ di động. Theo
IDC, hồi năm 1998, ổ Zip chiếm đến 87% thị trường đĩa "dung lượng cao",
lúc ấy dung lượng cao có nghĩa là 100 MB.
Tuy nhiên, Iomega lại phải đối mặt với vấn đề kĩ thuật lúc ấy, đầu đọc
của ổ Zip thường bị chệch vị trí, gây lỗi không thể truy xuất được dữ
liệu, do đó đã ảnh hưởng đến tiếng tăm về tính ổn định của ổ Iomega.
Ngoài ra, ổ Iomega còn bị "chê" là giá cao hơn các sản phẩm cạnh tranh,
và nhất là chi phí lưu trữ lại cao hơn cả ổ quang.
Và thay vì đẩy mạnh các dòng sản phẩm tương thích với Zip thì Iomega lại
theo đuổi các công ty đang cố bán tháo các sản phẩm tương thích với
Zip. Và đến năm 2008, giá cổ phiếu Iomega rớt mạnh, từ 100 USD xuống chỉ
còn 3,6 USD và bị EMC mua lại. Ngày nay, Iomega vẫn còn là một thương
hiệu lưu trữ nhưng tiếng vang không còn như trước.
5. Palm
Cách nay khoảng 1 thập kỉ, Palm là tên tuổi nổi bật trên nhiều mặt báo
công nghệ với những chiếc PDA để lại đầy ấn tượng như chiếc Palm III,
Palm V, Palm Pilot. Và có thể xem Palm là chiếc cầu nối hoàn hảo chuyển
tiếp từ PDA sang điện thoại thông minh. Vậy điều gì đã xảy đến với Palm?
Quyết định tách Palm OS ra làm một công ty riêng, tách biệt giữa 2 bộ
phận phần cứng và phần mềm chính là căn nguyên khiến Palm thất bại, nhất
là rơi vào ngay thời điểm BlackBerry của RIM đang nổi lên.
Cuối cùng, Palm OS bị tàn lụi, bằng chứng là chiếc Palm Pre đã phải chạy
với hệ điều hành webOS và Palm bị HP mua lại với giá 1,2 tỉ USD.
6. AOL
Thời kì đầu của Internet, AOL là nơi mà hàng triệu người lướt web để mắt
đến đầu tiên. AOL đã thu hút người dùng bằng nhiều thứ nội dung hấp
dẫn, đủ loại khuyến mãi như vài giờ truy cập web miễn phí, nghe nhạc
miễn phí... Thành công lại đến với AOL hơn nữa khi họ bắt tay với
Microsoft hồi năm 1996 khi kèm gói phần mềm AOL vào Windows, giúp người
dùng chưa quen với Internet cảm thấy dễ dàng sử dụng Internet. Đỉnh điểm
thành công của AOL là họ trở thành nhà cung cấp Internet lớn nhất tại
Mỹ, có hơn 35 triệu người đăng kí toàn cầu, dư sức bỏ ra 147 tỉ USD để
mua lại Time Warner (chủ của CNN và vài hãng truyền thông khác) hồi năm
2001. Tuy vậy, 10 năm tiếp theo, mọi thứ thay đổi. AOL chỉ còn là nơi để
nói chuyện phiếm.
Thất bại của AOL là họ không thể chuyển người dùng của mình sang được
nền tảng băng thông rộng để thưởng thức nội dung nghe nhìn mà họ mua lại
được từ Time Warner. Giờ đây họ lại tập trung vào việc bán quảng cáo
trực tuyến, mua lại các trang tin và vẫn kinh doanh các dịch vụ web,
thậm chí còn duy trì cả dịch vụ truy cập Internet quay số.
Một vài thống kê hiện nay cho thấy 75% người dùng quay số của họ đã đăng
kí dịch vụ Internet băng thông rộng. Lối thoát duy nhất cho AOL lúc này
có lẽ là họ nên tập trung vào khai thác nội dung họ hiện có.
7. Yahoo
Yahoo không để vuột cơ hội một lần, mà nhiều lần. Đã từng một thời dẫn
đầu về công cụ tìm kiếm và lúc ấy Yahoo rất ấn tượng với công nghệ tìm
kiếm của Google, nên hồi năm 2000, họ đã mượn engine này để chạy kết quả
tìm kiếm cho họ. Yahoo rất "kết" engine này và có ý định mua lại Google
lúc ấy. Nhưng sai lầm của Yahoo là từ chối mức giá 3 tỉ USD mà Google
đưa ra hồi năm 2002. Điều họ không ngờ là chỉ sau đó 2 năm, giá trị của
Google tăng lên 27 tỉ USD và đến nay là khoảng 184 tỉ USD.
Yahoo lặp lại cùng sai lầm này với Facebook hồi năm 2006 khi từ chối lời
rao bán với giá hơn 1 tỉ USD. Đến nay, Facebook được định giá 50 tỉ
USD.
Có lẽ sai lầm lớn nhất của Yahoo lại chính là thương vụ với Microsoft.
Cả hai cùng thương lượng giá cả trong vòng 3 năm trời, và đến lúc
Microsoft mất kiên nhẫn, họ đưa ra một mức giá mua lại Yahoo chỉ ở 44 tỉ
USD. Lúc này, Yahoo từ chối thương vụ và chỉ kí kết một hợp đồng đối
tác về tìm kiếm trong vòng 10 năm với Microsoft mà thôi. Đến nay, giá
trị của Yahoo chỉ chưa đến 1/2 mức giá mà Microsoft nêu ra trước đây và
lúc này Yahoo đang tập trung vào việc kinh doanh quảng cáo và để cho
công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft cạnh tranh với Google.
8. Friends Reunited
Friends Reunited không chỉ đi đầu về mạng xã hội tại Anh mà còn là công
ty biết cách kiếm tiền từ dịch vụ mạng xã hội của họ. Thành lập từ năm
2000, Friends Reunited chỉ tập trung tìm kiếm bạn bè cũ từng học chung
trường. Trước khi Facebook xuất hiện, Friends Reunited là trang web được
bàn tán nhiều nhất hồi đầu thế kỉ 21.
Mô hình kinh doanh của Friends Reunited là thu phí người dùng nếu họ
muốn liên lạc với bạn bè cũ. Cứ mỗi người 5 bảng Anh và với hàng triệu
người đăng kí, có thể nói Friends Reunited đã tạo nên một làn sóng trong
kỉ nguyên tiền Internet, đến nỗi hãng truyền hình ITV mua lại trang web
này với giá 120 triệu bảng Anh hồi năm 2005.
Nhưng ít người sử dụng lại chịu trả phí lần thứ 2 cho Friends Reunited
vì một khi bạn đã có liên lạc với bạn bè cũ, bạn không cần đến Friends
Reunited nữa. Dịch vụ này không có cập nhật status, không có ứng dụng,
không có gì cả nếu so với Facebook xuất hiện sau đó vài năm.
Cuối cùng, ITV đã bán Friends Reunited hồi năm ngoái với mức giá 25 triệu bảng Anh, chỉ bằng 1/5 so với giá họ đã mua.
9. Dec Alpha
Alpha là kiến trúc CPU mang tính cách mạng. Được DEC thiết kế và công bố
hồi năm 1992, Alpha hướng đến nền tảng máy tính trạm và máy chủ và luôn
giữ được tính ổn định qua nhiều năm với nhiều thế hệ thành công.
Lúc ấy, nhiều máy chủ có bộ nhớ (RAM) không quá 4 MB nhưng Alpha được
thiết lập với kiến trúc 64 bit đầy đủ, có khả năng định địa chỉ bộ nhớ
đến 16 triệu GB.
Để Alpha đạt được mục tiêu lâu dài, DEC nhận ra rằng tốc độ cần phải cải
thiện nhiều hơn nữa theo thời gian. Do vậy, Alpha được trang bị một tập
lệnh cực kì đơn giản và thiếu vài tính năng chuyên biệt giống như các
bộ xử lí ngày nay như không thể tăng xung nhịp và thêm số nhân xử lí.
Trên lí thuyết, Alpha rất xuất sắc và nó đã có được bước khởi đầu hoàn
hảo: có hỗ trợ nền tảng Unix và máy ảo VMS, Microsoft cũng hỗ trợ kiến
trúc Alpha trong Windows NT.
Tuy nhiên, lí thuyết là thế nhưng chiến lược phát triển của Alpha lại
không được như vậy. Ngay khi Alpha xuất hiện, các doanh nghiệp đều làm
ngơ với máy trạm và máy chủ nhiều người dùng, thay vào đó họ lại thích
trang bị các máy Windows PC giá rẻ hơn. Microsoft lại tập trung vào thị
trường này và cũng bỏ Alpha ra khỏi kế hoạch kinh doanh, bỏ rơi nền tảng
này và cả nhà sản xuất Alpha. Sau đó DEC bị tụt lại và bị Compaq mua
lại, rồi tiếp đến Compaq bị HP thôn tính. Kết cục là bộ xử lí Alpha bị
ngưng phát triển từ năm 2004.
10. Sun Microsystem
Thành công về bán hàng thời kì đầu của Sun cũng là nguyên nhân chính cho
thất bại sau này của hãng. Họ bán ồ ạt các sản phẩm kèm theo các hệ
thống của họ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty web trong
suốt thời kì bùng nổ Internet vào những năm 1990. Bằng chứng là sau thời
gian này, rất nhiều sản phẩm second-hand của họ xuất hiện trên thị
trường. Sun cũng tiếp tục tập trung vào các hệ thống kiến trúc Sparc của
riêng họ trong lúc kiến trúc x86 đang lên ngôi, do vậy họ lại bị thụt
lùi về mảng sản phẩm cho doanh nghiệp.
Mặc dù Sun gặp nhiều trở ngại trong chuỗi bán hàng nhưng họ cũng luôn
đưa ra các công nghệ mới, mua lại và công bố "mở" bộ ứng dụng
OpenOffice, tạo dựng nền tảng Java và thậm chí có được hệ thống tính
toán hợp nhất trước cả 1 năm khi Amazon đưa ra sản phẩm nền tảng điện
toán đám mây.
Tuy nhiên, chẳng sản phẩm nào đề cập trên của họ giữ được chỗ đứng cho
đến nay và giá trị của Sun trượt xuống chỉ còn 3 tỉ USD hồi năm 2008.
Một năm sau, sau khi từ chối mức giá của IBM, Sun đã bị Oracle mua lại.
Những sản phẩm của Sun như Sparc, Java, Solaris và OpenOffice, đến nay
chỉ còn lại OpenOffice. Nhưng sau khi Sun rơi vào tay Oracle, các nhà
phát triển độc lập chính của bộ ứng dụng này lại đang chỉnh sửa để tạo
ra một bộ ứng dụng mới mang tên LibreOffice chạy mặc định trên Ubuntu.
Trong khi đó, Oracle với danh nghĩa sở hữu Sun, đồng thời sở hữu luôn
tài sản trí tuệ Java, đang kiện Google và một số công ty khác vi phạm
bản quyền Java. Còn 2 công nghệ mở khác của Sun là Sparc và Solaris hiện
Oracle xem như đây là thứ vũ khí để kiện cáo hoặc gây cản trở cho đối
thủ cạnh tranh.
|
|
|
|
|
|
|