Một nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Max Planck (Đức) và các đồng nghiệp từ 10 quốc gia trên thế giới mới công bố 2 nghiên cứu trên tạp chí Science liên quan đến chu trình hấp thụ các bon tự nhiên của Trái đất.
Trong nghiên cứu thứ nhất, Christian Beer và các đồng nghiệp đã sử dụng các mô hình và số liệu thực địa để xác định lượng các bon được hấp thụ bởi cây xanh trên trái đất. Ông và các đồng nghiệp đã mất 8 năm để ghi các kết quả đo lường thực địa lượng các bon mà cây xanh hấp thu vào. Theo đó, cây xanh đã hấp thụ khoảng 123 tỷ tấn các bon mỗi năm.
Các thực vật phù du ở đại dương cũng hấp thu một lượng các bon tương đương.
Một lượng các bon khoảng 2 tỷ tấn sau đó lại được Trái đất "thở" vào khí quyển qua đất và các nguồn tài nguyên khác. Như vậy, lượng các bon được cây xanh được hấp thụ lại sẽ giúp các bon trong khí quyển giảm. Tuy nhiên, lợi ích này đã bị chính con người phá bỏ bằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch và thải ra khoảng 8-9 tỉ tấn các bon, làm tăng mức khí nhà kính.
Nghiên cứu thứ hai do Tiến sĩ Miguel Mahecha chủ trì đã giúp giải quyết những tranh cãi khoa học về ảnh hưởng của sự tăng nhiệt độ đối với sức hấp thụ carbon của cây xanh, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khác, đặc biệt là sự có mặt của nước.
Từ nghiên cứu, ông đã phát hiện ra rằng sự thay đổi nhiệt độ ít có tác động so với các mô hình đề xuất. Theo mô hình dự đoán, nhiệt độ tăng thêm 10 độ thì các bon tăng gấp đôi nhưng trên thực tế nó chỉ tăng có 1,4 lần.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước là một yếu tố quan trọng đối với vai trò hấp thụ các bon của cây xanh. Nếu nước có sẵn, cây xanh hấp thụ CO2 dễ dàng ngay cả khi nhiệt độ tăng lên. Nhưng nếu nước trở nên khan hiếm các cây xanh sẽ bảo tồn nước và làm chậm quá trình quang hợp. |