Vũ khí khủng áp sát Trung Quốc Mới đây nhất là ngày 25/12, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Victor Bondarev, cho biết trong năm 2014, Không quân Nga sẽ được bàn giao thêm 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 mới. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, Không quân Nga đã được biên chế 22 chiếc máy bay chiến đấu Su-35. "Chúng tôi đã nhận được 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 trong năm nay ngoài 10 chiếc đã được bàn giao trước đó," ông cho biết. Được biết đây là 2 lô đầu tiên trong tổng số 48 chiếc Su-35 mà Bộ Quốc phòng Nga đã ký năm 2009. Theo kế hoạch, đơn hàng này sẽ hoàn thành vào năm 2015. Trung tướng Victor Bondarev cho biết thêm, toàn bộ số chiến đấu cơ này sẽ được triển khai tại căn cứ Không quân Dzemga ở vùng Viễn Đông của Nga, có địa giới hành chính giáp với biên giới phía bắc và đông bắc Trung Quốc. Không chỉ triển khai chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35 tại vùng Viễn Đông Nga, trong năm 2013, Không quân Nga cũng đã quyết định triển khai máy bay Su-30SM đến khu vực này. | Chiến đấu cơ Su-35 |
Được biết đây "là một phần trong chương trình tái vũ trang nhà nước tới năm 2020 và kế hoạch quốc phòng nhà nước trong năm 2013. Tới cuối năm 2013, Quân khu miền Đông sẽ nhận được hơn 20 máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư (các biến thể sửa đối khác nhau)", báo cáo trích dẫn dịch vụ thông tin báo chí của Quân khu Viễn Đông cho biết. Nhằm tăng cường sức mạnh cho Không quân tại vùng Viễn Đông, hồi tháng 11/2013 vừa qua, quân đội Nga cũng đã công bố quyết định mua sắm 40 chiếc trực thăng chiến đấu trang bị tại đây. Theo Phát ngôn viên của Quân khu miền Đông, Trung tá Alexander Gordeev cho biết: “Hơn 40 máy bay trực thăng chiến đấu thế hệ mới Mi-8AMTSh và Ka-52 sẽ được chuyển giao cho các căn cứ không quân tại Quân khu miền Đông vào cuối năm nay”. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, loạt máy bay trực thăng mới dự kiến sẽ thay thế phi đội trực thăng chiến đấu già nua Mi-24 Hind ở Viễn Đông. Không chỉ tăng cường sức mạnh cho Không quân, quân đội Nga còn quyết định tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng không chiến lược tại Quân khu Viễn Đông bằng hệ thống phòng không S-400. Theo đó, đến cuối năm 2013, hai hệ thống S-400 cấp trung đoàn sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga. Tiếp đó, từ năm 2014, Nga sẽ nhận được 2-3 trung đoàn tên lửa phòng không S-400/năm. RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Viện thiết kế GSKB Almaz-Antei, ông Vitaly Neskorodov cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi sản xuất 2-3 bộ trang bị cấp trung đoàn/năm. Năm tới, khối lượng sản xuất sẽ chỉ có tăng, chứ không giảm”. Được biết, Quân khu miền Đông Nga đã nhận được tổ hợp tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf thứ 4 từ năm 2012. S-400 Triumf được triển khai tại thành phố cảng Nakhodka, thuộc vùng Primorye, gần Trung Quốc và Triều Tiên. Nó sẽ kết hợp với các tổ hợp S-400 khác được triển khai trước đó ở Khu vực Moscow và lãnh thổ Baltic, thuộc Kaliningrad. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là hệ thống thế hệ mới tầm xa và tầm trung, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công phòng không vũ trụ hiện tại và tương lai, máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung, mục tiêu siêu thanh và máy bay giám sát radar và máy bay điều khiển. S-400 có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo với độ chính xác cực kỳ cao. Quân khu miền Đông của quân đội Nga được thành lập vào năm 2010 bao gồm lãnh thổ của Quân khu Viễn Đông cũ và một phần của Quân khu Siberia cũ. Trụ sở của Quân khu miền Đông được đặt tại Khabarovsk, rất gần biên giới với Trung Quốc. | Trực thăng chiến đấu Mi-8AMTSh |
Quan hệ Nga - Trung 'đạt độ cao chưa từng thấy' Trước việc Nga triển khai hàng loạt vũ khí áp sát Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ của 2 nước lớn này. Hồi tháng 10/2013 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Medvedev cho biết, quan hệ Nga - Trung đã đạt tới độ cao chưa từng thấy, không những thể hiện ở quy mô, mà còn ở trình độ quan hệ hai nước. Giới quan sát cho rằng, trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thì vấn đề an ninh-quân sự cũng được coi là điểm nhấn quan trọng. Về vấn đề hợp tác an ninh, ông Patrushev - thư ký Hội đồng An ninh Nga đã đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu của “sự hợp tác trách nhiệm, tôn trọng và đôi bên cùng có lợi”, và lưu ý rằng Nga và Trung Quốc đã có sự trùng hợp về quyền lợi cơ bản cả trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và nhiều lĩnh vực hợp tác thiết thực khác nhau. Về phòng thủ tên lửa, Moscow và Bắc Kinh đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Cả Nga và Trung Quốc đã có nhận thức chung về động thái gần đây của Mỹ, chuyển trọng tâm xây dựng hệ thống NMD hướng về phía châu Á nói là để chống lại mối đe dọa tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào Mỹ và đồng minh của họ. Ông Vladimir Evseev Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị-xã hội Nga cho rằng, cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống nào toàn diện để có thể phản ứng có hiệu quả đối với đòn tấn công tên lửa của Mỹ. Vì vậy, Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận cùng nhau hiệp lực để đối phó với những thách thức và mối đe dọa tên lửa nêu trên. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng 9/2013 và chuyến thăm của Thủ tướng Nga Medvedev đến Trung Quốc tháng 10/2013 đã chứng minh hai nước sẵn sàng đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới. Trong đó có cả lĩnh vực nhạy cảm như khả năng đối phó với hệ thống NMD của Mỹ. |