Tốt nghiệp Đại học Hàng Hải, Lê Phương nhận nhiệm vụ tại vùng Cảnh sát biển 3 từ năm 2009. Gần 4 năm lênh đênh trên biển, với anh, con thuyền đã trở nên thân thiết như ngôi nhà của mình. | Thuyền trưởng - thượng úy Lê Phương (bìa phải) trên con tàu 4034. |
Kể về những phi vụ bắt cướp, Thượng úy Lê Phương (thuyền trưởng), kể về phi vụ bắt 11 tên cướp biển người nước ngoài cướp tàu MT-ZAFIRAH mang quốc tịch Malaysia (một con tàu có trọng tải lớn) vào cuối năm 2012 cùng với đồng đội. Đang trực chiến trên biển thì đội của anh nhận được tin báo từ Bộ chỉ huy Vùng cảnh sát biển 3 - có một vụ cướp biển tại vùng biển Vũng Tàu. Nạn nhân là 9 thuyền viên đang làm nhiệm vụ trên tàu MT-ZAFIRAH mang quốc tịch Malaysia. Các thuyền viên bị nhóm cướp biển người nước ngoài khống chế cướp tàu và ném xuống biển. Họ đã may mắn đươc ngư dân Việt Nam cứu thoát và báo tin cho Vùng cảnh sát biển 3. Con tàu MT-ZAFIRAH đã bị nhóm cướp biển thay tên, thay cờ và những thông số nhận dạng khác. Lúc này, muốn nhận dạng con tàu cướp biển, đội cảnh sát biển chỉ còn có thể dựa vào kích thước, màu sơn và bằng nghiệp vụ để phát hiện những dấu hiệu khả nghi. Vào thời điểm đó, Phương đang giữ vị trí thuyền phó tàu 4031. Sau hơn 7 giờ đồng hồ gữa đêm các anh xác định được một con tàu lạ với những thông số đáng ngờ, kích thước và màu sơn khớp với những dấu hiệu do bộ chỉ huy thông báo: “Anh em xác định được những dấu hiệu khả nghi đó như tên tàu viết trên thân với nét chữ không đều và không đúng vị trí với tiêu chuẩn quốc tế. Khi gọi lên kiểm tra thì những người trên tàu có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Trong 3 lần kiểm tra, đối tượng đều trả lời với những thông số khác nhau” - Phương kể. | Hoạt động tuần tra của lực lượng cảnh sát biển. |
Xác định đối tượng nghi vấn cao, đội cảnh sát biển đã báo về vùng chỉ đạo thêm 2 con tàu đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển quay về phối hợp cùng tàu 4031 để áp sát tàu lạ. Từ đất liền, chỉ huy đội cảnh sát biển 3 cũng điều thêm một con tàu chở những thuyền viên - nạn nhân của vụ cướp ra vị trí để xác minh có đúng con tàu kia là tàu MT-ZAFIRAH đã bị cướp hay không. Cả đêm ấy, trong lúc chờ đợi con tàu từ đất liền, những cảnh sát biển trên 3 con tàu thức trắng canh gác, giữ khoảng cách với tàu lạ, anh giải thích: “Trên con tàu MT-ZAFIRAH đang chở hơn 300 tấn xăng, nếu đội cảnh sát manh động, rất có thể bọn cướp biển sẽ tính đến việc hủy tàu, gây nguy cơ cháy nổ. Cho nên anh em trong đội phải canh từng hành động của đối tượng”. Khi thuyền trưởng đã xác nhận đối tượng là con tàu MT-ZAFIRAH bị cướp, đội cảnh sát biển thông báo, yêu cầu nhóm người trên tàu thả neo. Nhưng đám cướp biển lại tăng tốc, liều lĩnh cho con tàu lao vù vù trong đêm. Lập tức, 4 con tàu của vùng cảnh sát biển tăng tốc, áp sát tứ phía bọn cướp biển. Thấy tình thế căng thẳng, thuyền trưởng tàu 4031 phải ra lệnh bắn cảnh cáo vào ca-bin con tàu. Lúc này, 11 tên cướp biển mới chịu thả neo, đầu hàng. Không chỉ làm nhiệm vụ bắt cướp, bảo vệ vùng biển quốc gia, những cảnh sát chỉ những ngày tháng lênh đênh trên biển này còn có một nhiệm vụ quan trọng là yên bề gia thất. Anh em cảnh sát biển hay đùa với nhau rằng, các anh có hai phi vụ chính cần phải hoàn thành. Một là đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển đảo tổ quốc. Hai là… cưới một cô vợ hiền. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng và gian nan. Nhưng với các anh, chinh phục nhiệm vụ đơn vị giao cho còn dễ dàng hơn… chinh phục một cô gái. Bên cạnh đó, anh Lê Phương cũng chia sẻ những ngày biền biệt trên biển được gặp những ngư dân Việt Nam, được chia sẻ những lít nước ngọt, những bó rau xanh là một điều hạnh phúc. |