Bangladesh quyết định mua tàu ngầm nhiều tai tiếng của TQ
Bỏ qua những ứng viên tàu ngầm Kilo và tàu Type 039 lớp Tống, Hải quân Bangladesh quyết định chi 203,3 triệu USD để mua 2 tàu ngầm Type 035 lớp Minh của Trung Quốc.
Thông tin trên được tờ New Age (Bangladesh) dẫn lời một số quan chức giấu tên của nước này cho biết. Theo đó, Hải quân Bangladesh kỳ vọng, Type 035 sẽ tăng cường khả năng bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và lãnh hải.

Kế hoạch mua sắm tàu ngầm của Hải quân Bangladesh đã được đích thân Thủ tướng nước này Sheikh Hasina thông báo hồi tháng 8/2013. Sau khi tín hiệu muốn mua tàu ngầm của Bangladesh được phát đi, ngay lập tức Trung Quốc đã có kế hoạch bán tàu ngầm đã qua sử dụng cho nước này.

Theo đó, Trung Quốc dự định bán cho Bangladesh 2 tàu ngầm Kilo cũ của Nga (cũng có nguồn tin Trung Quốc muốn bán tàu Type 039 lớp Tống). Theo nguồn tin trên, 2 tàu ngầm mang số hiệu 374 và 375 thuộc lớp Kilo đề án 636 được Nga đóng cho Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2002.

Và cuối cùng, cả hai ứng viên tàu ngầm Kilo và tàu Type 039 đều bị Bangladesh bỏ qua và quyết định mua tàu ngầm nhiều tai tiếng Type 035. Theo điều khoản ký kết giữa hai bên, 2 chiếc tàu ngầm này sẽ được Trung Quốc chuyển giao cho Bangladesh trong năm 2019.

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh
Tàu ngầm Type 035 lớp Minh. (tàu ngầm số hiệu 361 trước khi gặp nạn).

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh là phiên bản cải tiến của Type 033 được Trung Quốc phát triển dựa trên tàu ngầm diesel-điện lớp Romeo của Liên Xô. Tổng cộng đã có 21 tàu ngầm Type 035 được sản xuất trong những năm 1970 với 3 biến thể khác nhau. Tới nay, còn 18 chiếc đang phục vụ trong biên chế Hải quân Trung Quốc.

Tàu ngầm Type 035 lớp Minh được đánh giá là loại tàu ngầm tối tân nhất trong biên chế hạm đội Nam Hải những năm 1990. Loại tàu ngầm này được vũ trang với 8 ống phóng ngư lôi, 6 ở phía trước và 2 ở phía sau đuôi (cơ số ngư lôi mang theo 14 quả). Tàu không có khả năng phóng tên lửa hành trình.

Type 035 của Trung Quốc khá nổi tiếng trên thế giới hiện nay, tuy nhiên sự nổi tiếng đó không phải do chất lượng mà liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc của nó hồi năm 2003.

Theo đó, ngày 16/04/2003, tàu ngầm mang số hiệu 361 Tyep-035 lớp Minh đã gặp nạn trong lúc tham gia tập trận làm toàn bộ thủy thủ đoàn 70 người thiệt mạng. Thông tin về vụ tai nạn này được “giấu kín như bưng”, chính người dân Trung Quốc hầu như không biết gì về vụ tai nạn thảm khốc này.

Tai nạn xảy ra khi con tàu này đang tiến hành tập trận tại vịnh Bột Hải, Trung Quốc thì đột nhiên mất tín hiệu bí ẩn. Mãi đến 10 ngày sau khi mất tích, con tàu mới được tìm thấy. Ngay sau đó, tàu ngầm số 361 được kéo về cảng Ngọc Lâm thuộc đảo Hải Nam, điều kỳ lạ là hầu như không có bất kỳ vết trầy xước nào xảy ra với tàu ngầm số 361.

Một điều khá lạ lùng và không thể giải thích là tại sao không một ai trong thủy thủ đoàn 70 người thoát được ra ngoài, mặc dù bản thân tàu ngầm được thiết kế rất nhiều khoang thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.

Trong suốt quá trình gặp nạn, tàu ngầm này không phát đi bất kỳ một tín hiệu cấp cứu nào ra bên ngoài. Vậy các thiết bị điện tử trên tàu đã hoạt động ra sao?

Tại sao toàn bộ thủy thủ đoàn đều bất lực trong khi bản thân họ được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản trước khi được phép vận hành tàu ngầm? Điều khá lạ lùng nữa, bản thân tàu ngầm này được thiết kế với thủy thủ đoàn tối đa là 55 người với 9 sỹ quan và 46 thủy thủ. Tuy nhiên, trong lúc gặp nạn, trên tàu có tới 70 người.

Vụ tai nạn thảm khốc, thủy thủ đoàn 70 người không ai thoát được ra ngoài đặt ra những câu hỏi trong công nghệ chế tạo tàu ngầm của Trung Quốc đặc biệt là các phương tiện và công nghệ hỗ trợ cấp cứu khẩn cấp trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc trúng phải vũ khí của đối phương trong thực chiến.

(Nguồn: baodatviet.vn )