heo quyết định ngày 3/12, 2 chiếc tàu tên lửa 1241RE Molniya (Tia chớp) cuối cùng của Ba Lan mang tên Metalovich và Rolnik đã chính thức bị loại khỏi biên chế Hải quân nước này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Ba Lan sẽ bán lại hai tàu này hay đưa về các nhà máy để “xẻ thịt”. | Tàu 1241RE Molniya của Hải quân Ba Lan |
Trong giai đoạn 1983-1989, Hải quân Ba Lan đã đưa vào trang bị tổng cộng 4 chiếc “Tia chớp”. Hai chiếc đầu tiên mang tên Gornik và Khutnik đã bị thải loại từ tháng 5/2005. Đến tháng 3/2006, Ba Lan cũng loại khỏi trang bị loại tên lửa đối hạm P-15 Termit, vũ khí chính của “Tia chớp” và để 2 tàu còn lại hoạt động với vũ khí chính là pháo hạm AK-176M cỡ 76 mm và 2 pháo AK630M cỡ nòng 30 mm. Tàu tên lửa 1241RE Molniya là loại tàu chiến nhỏ và cơ động, dài 57 m, rộng 10,2 m và có lượng choán nước 455 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 42 hải lý/giờ và hoạt động độc lập 10 ngày đêm. Từ tháng 4/2012, Ba Lan đã công bố kế hoạch phát triển Hải quân cho giai đoạn 2012-2030. Theo đó, nước này sẽ mua mới 3 tàu ngầm, 3 tàu nổi (chưa rõ loại gì), 6 trực thăng tấn công, 6 trực thăng tìm kiếm cứu nạn, 2 hệ thống tên lửa tầm gần, 10 tàu tự động mặt nước và 6 UAV. Tàu tên lửa 1241RE Molniya hiện vẫn là một trong các loại chiến hạm chủ lực của Hải quân Việt Nam bên cạnh các loại tàu như 10410 Svetlyak, Gepard-3.9… Trong những năm 1990, Việt Nam đã mua 4 chiếc 1241RE Molniya được trang bị tên lửa hệ P-15 Termit như của Ba Lan. Năm 1993, Việt Nam đã mua giấy phép sản xuất tàu tên lửa Dự án 1241.8 Molniya với tổ hợp tên lửa Uran-E. | Tên lửa đối hạm Kh-35 được phóng đi từ tổ hợp Uran-E trên tàu |
Tuy nhiên, phải tới năm 2005, việc chuyển giao công nghệ mới bắt đầu được thực hiện và từ năm 2006 chuẩn bị bắt tay vào sản xuất. Theo hợp đồng được ký năm 2003, 2 chiếc thuộc Dự án 1241.8 Molniya trang bị tổ hợp tên lửa Uran-E được đóng tại Nga và 10 chiếc khác được đóng tại Việt Nam. Chiếc đầu tiên được trang bị tổ hợp tên lửa Uran-E đã được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2007, chiếc thứ hai vào năm 2008. Năm 2010, tại một nhà máy đóng tàu tại TP.HCM, Việt Nam khởi công đóng chiếc tiếp theo theo giấy phép của Nga. Dự kiến, việc đóng từ 6-10 chiếc ở Việt Nam sẽ kéo dài tới năm 2016. Để đảm bảo việc huấn luyện thủy thủ cho các tàu “Tia chớp”, Việt Nam đã mua hệ thống huấn luyện tương thích của Nga là Laguna-1241RE. Hệ thống đầu tiên được xây dựng với công nghệ tin học hóa của công ty Tranzas được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 1/2002. Vào tháng 9/2006, Rosoboronexport đã ký với phía Việt Nam hợp đồng hiện đại hóa hệ thống huấn luyện Laguna-1241RE và cung cấp các hệ thống huấn luyện mới cho các loại tàu 1241RE và 1241.8 Molniya. Việc chuyển giao đã được thực hiện vào tháng 12/2007. |