Vì sao B-52 hiên ngang bay qua Vùng nhận diện phòng không?
Ngày 25/11, Không quân Mỹ bất ngờ điều động 2 chiếc oanh tạc cơ B-52 bay qua Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) mà Trung Quốc mới thiết lập mà không gặp phải sự ngăn cản nào. Vậy B-52 của Không quân Mỹ có uy lực ra sao sau khi cải tiến?
Được biết B-52 là máy bay ném bom có thời gian phục vụ lâu nhất mà Mỹ từng phát minh (bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1955). Được biết, phiên bản B-52 hiện đang được sử dụng trong Không quân Mỹ đã được nâng cấp so với phiên bản ban đầu.

Theo đó, Mỹ đã tiến hành nâng cấp kết cấu, điện tử và hệ thống vũ khí trong khi vẫn giữ lại khung sườn và sải cánh khổng lồ của pháo đài bay nhằm kéo dài thời gian phục vụ đến năm 2044. Theo hợp đồng Không quân Mỹ đã ký kết với hãng Boeing, B-52 được cải tạo hệ thống vũ khí xoay vòng hiện có.

Qua đó, chiếc máy bay có thể mang theo đầy đủ các loại vũ khí thông minh trong khoang chứa bom thay vì gắn trên các mấu cứng ngoài cánh, tăng sức chứa của B-52 thêm 50%. Với tất cả vũ khí được chứa bên trong, lực kéo khí động sẽ giảm đi đáng kể trong khi hiệu quả nhiên liệu sẽ được tăng cường trong suốt chuyến bay.

Oanh tạc cơ B-52 của Không quân Mỹ
Oanh tạc cơ B-52 của Không quân Mỹ

Thêm vào đó, với việc thay đổi các hệ thống phóng xoay vòng, B-52 có thể mang thêm nhiều loại vũ khí nhằm đáp ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hệ thống phóng cải tiến cũng được kết hợp với hệ thống nâng cấp CONECT - một mạng lưới kỹ thuật số được trang bị sẵn, cho phép các máy tính trên B-52 nhận biết loại vũ khí được kết nối với các mấu cứng ngoài cánh và khoang vũ khí để hoạt động tương thích.

Ban đầu, hệ thống phóng cải tiến được tích hợp các bộ dẫn đường đạn đạo Joint Direct Attack Munition (JDAM) vào các tên lửa trọng lượng từ 227 đến 907 kg.

Hệ thống này được bổ sung các tên lửa đánh chặn không đối đất (JASSM) cùng phiên bản mở rộng tầm bắn là JASSM-ER, hệ thống tên lửa gây nhiễu điện tử MALD và biến thể gây nhiễu tiên tiến MALD/J.

Theo ông Scot Oathout - Giám đốc chương trình nâng cấp B-52 cho biết: "Khi bạn kết hợp hiệu năng và thời gian bay cực lâu của B-52, bạn sẽ có một hệ thống vũ khí hiệu quả và đa dạng để tiêu diệt các phương tiện tấn công trên mặt đất. Chương trình mở rộng sức chứa vũ khí sẽ kết hợp với hệ thống giao tiếp tiên tiến CONECT hiện đã được lắp đăt sẵn trên máy bay nhằm tạo ra một phương tiện chiến tranh linh hoạt hơn."

Hiện nay, Không quân ném bom chiến lược Mỹ chủ yếu sử dụng biến thể B-52H có chiều dài tới 48,5m, sải cánh 56,4m, cao 12,4m. Trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 220 tấn.

B-52H có khả năng mang được 31,5 tấn vũ khí gồm: bom thông thường, bom hạt nhân, tên lửa hành trình tầm xa.

B-52H được trang bị 8 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy cho phép đạt bán kính chiến đấu tới 7.210km, trần bay 15.000m.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc Mỹ bất ngờ điều động 2 chiếc B-52 lần này có nhiều dụng ý khác nhau.

Trong đó, ông Dean Cheng, nhà phân tích của Quỹ Heritage, nhận định, việc điều động này là phản ứng mạnh mẽ của Mỹ gửi đến Trung Quốc, ngoài ra Mỹ còn muốn kiểm chứng khả năng của B-52 sau khi được nâng cấp.

Đồng thời việc điều động lần này của Mỹ cũng được coi là phép thử của Mỹ về phản ứng của Trung Quốc với khu vực ADIZ gây tranh cãi mà Bắc Kinh vừa tuyên bố thiết lập.

(Nguồn: baodatviet.vn )