Pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển – hải đảo
Trong thế trận chung phòng thủ biển đảo, lực lượng pháo tên lửa bờ biển có điểm đặc thù là tác chiến trong điều kiện có sự hỗ trợ chi viện của các lực lượng kỹ thuật đảm bảo – lực lượng trinh sát, cảnh báo sớm và dẫn đường, chỉ thị mục tiêu. Những đặc trưng chiến thuật chủ yếu của lực lượng pháo binh, tên lửa phòng thủ biển – đảo được thể hiện rõ trong biên chế tổ chức, các hình thức tác chiến phòng ngự cơ động.
Là lực lượng hỏa lực thê đội 1 trong thế trận phòng ngự bờ biển, hải đảo: lực lượng pháo binh – tên lửa, trong đó chủ lực là lực lượng tên lửa bờ biển có nhiệm vụ tiêu diệt các chiến hạm, các đoàn congvoa quân sự, các cụm chiến hạm đổ bộ đường biển; tiêu diệt các trận địa hỏa lực của đối phương, các mục tiêu trên bờ biển của hạm đội đối phương, tấn công các tuyến đường vận tải biển, các cụm binh lực đối phương tập trung trên hướng biến từ những cụm tàu nổi của đối phương; trong tầm hỏa lực, tấn công các căn cứ đóng quân và các hải cảng của đối phương.

Lực lượng pháo binh có nhiệm vụ tấn công các chiến hạm nổi của đối phương hoạt động ven biển, tấn công tiêu diệt các cụm binh lực địch triển khai các hoạt động đổ bộ, tiêu diệt và chế áp binh lực, sinh lực và các trận địa hỏa lực đối phương trên bờ biển.

   Tên lửa chống hạm tầm gần lớp Rybez
Tên lửa chống hạm tầm gần lớp Rybez

Biên chế tổ chức đơn vị chiến đấu cơ bản của lực lượng tên lửa phòng thủ bờ biển – hải đảo là trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển, có năng lực giải quyết các nhiệm vụ trong tầm xa tác chiến đến 300 km trên tiền duyên và theo chiều sâu mặt trận. 

Trung đoàn tên lửa bao gồm: Sở chỉ huy; phân đội tham mưu tác chiến và điều hành, phân đội thông tin liên lạc, các đơn vị (tiểu đoàn) tên lửa; phân đội đảm bảo và phân đội kỹ thuật, hậu cần. Phụ thuộc vào vũ khí trang bị, phương tiện tác chiến và mục đích yêu cầu, trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển có thể là đơn vị cơ động chiến đấu, đơn vị cố định, đơn vị tên lửa tầm xa, đơn vị tên lửa tầm gần.

Pháo tự hành 130 mm phòng thủ bờ biển
Pháo tự hành 130 mm phòng thủ bờ biển

Biên chế tổ chức đơn vị chiến đấu cơ bản của lực lượng pháo binh phòng thủ bờ biển, hải đảo là các tiểu đoàn pháo binh, cơ cấu tổ chức cơ bản thường có: ban chỉ huy tiểu đoàn, phân đội điều hành tác chiến, phân đội thông tin liên lạc, 2 – 4 khẩu đội pháo binh, phân đội đảm bảo và phân đội kỹ thuật, hậu cần.

Các hoạt động tác chiến của lực lượng pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển là tập hợp các hoạt động cơ động hành quân chiến đấu, chiếm lĩnh trận địa và triển khai các đơn vị hỏa lực, công kích tiêu diệt mục tiêu.

 Tổ hợp tên lửa Redut sử dụng tên lửa  P-35
Tổ hợp tên lửa Redut sử dụng tên lửa P-35

Hoạt động tác chiến phòng ngự biển đảo của đơn vị tên lửa bờ biển

Mục đích yêu cầu và nhiệm vụ tác chiến được giao theo mệnh lệnh chiến đấu. Trên cơ sở mệnh lệnh chiến đấu theo nhiệm vụ được giao, chỉ huy trưởng (trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng) xây dựng quyết tâm chiến đấu, chỉ huy lực lượng thuộc quyền chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy và điều hành các lực lượng tiến hành trận đánh và tổ chức đảm bảo mọi mặt cho các hoạt động tác chiến của đơn vị.

Sau khi nhận nhiệm vụ, người chỉ huy tiến hành triển khai lực lượng (tổ chức đội hình cơ động vào khu vực chiến đấu, triển khai đội hình chiến đâu và đưa toàn bộ lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tiến hành các hoạt động quan sát, trinh sát nhằm tìm kiếm, phát hiện mục tiêu, ra mệnh lệnh tính toán phần tử bắn (góc phương vị, tọa độ, khoảng cách) các trắc thủ tên lửa nạp phần tử bắn, tiến hành phóng tên lửa theo mệnh lệnh người chỉ huy trực tiếp.

 Trận địa tên lửa Bastion bảo vệ bờ biển
Trận địa tên lửa Bastion bảo vệ bờ biển

Sau đợt công kích hỏa lực, chỉ huy trưởng ra mệnh lệnh cơ động lực lượng ra khỏi trận địa hỏa lực nhằm thoát ly khỏi đòn tấn công phản kích của đối phương  và tổ chức, củng cố lại khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị thuộc quyền cho đợt phóng đạn tiếp theo.

Đội hình chiến đấu của trung đoàn tên lửa là các trận địa hỏa lực, được bố trí trong một đội hình liên kết chặt chẽ trên trận địa tên lửa, được triển khai trong khu vực định trước để sẵn sàng chiến đấu, phương hướng bố trí đội hình chiến đấu phụ thuộc vào vị trí tọa độ của địch và các trận địa thứ cấp của các đơn vị thuộc quyền theo các hướng phóng đạn.

Trận địa chiến đấu chung của trung đoàn và các vị trí các phân đội trong đội hình chiến đấu phải đảm bảo phát huy hết khả năng và uy lực của vũ khí, phương tiện chiến đấu đồng thời đảm bảo khả năng ngụy trang, nghi bình và tự phòng ngự.

Thông thường, đội hình tác chiến bao gồm:  Sở chỉ huy, trạm quan sát trinh sát, các trận địa của các phân đội tên lửa và các vị trí  của các phân đội bảo đảm, kỹ thuật hậu cần.  

Trung đoàn tên lửa chiến lĩnh khu vực chiến đấu, các tiểu đoàn tên lửa chiếm lĩnh các trận địa, các đơn vị kỹ thuật chiếm lĩnh vị trí kỹ thuật, các đơn vị hậu cần và đảm bảo chiếm lĩnh các vị trí hậu cần, quân y, khu tập trung cơ sở vật chất.   

Tiểu đoàn pháo binh bờ biển hải đảo chiếm lĩnh trận địa pháo binh, bao gồm vị trí ban chỉ huy tiểu đoàn, trận địa pháo binh, các vị trí hậu cần, kỹ thuật, khu tập trung cơ sở vật chất, đạn.

Sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tên lửa hành trình đã xuất hiện những tổ hợp tên lửa chống tàu siêu thanh như Yakhont, Brahmos tính năng tàng hình có tầm bắn đến gần 300 km.

Những tổ hợp tên lửa này đã đưa lực lượng pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển trở thành lực lượng mang tầm chiến lược – chiến dịch, như một lá chắn thép răn đe và ngăn chặn mọi mưu đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các thế lực với tham vọng thống trị biển khơi.

Trong tương lai không xa, cánh tay của pháo – tên lửa bờ biển có thể vươn xa 400 – 500 km tầm bắn,  giữ vững an ninh và chủ quyền lãnh thổ.  

(Nguồn: baodatviet.vn )