Ấn Độ sắm 700 loại vũ khí trang bị cho 9 vạn bộ binh sơn cước
Quân đội Ấn Độ vừa quyết định chi 36 tỷ USD mua hơn 700 loại vũ khí và đồ quân dụng để trang bị cho 90.000 lính bộ binh sơn cước.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, lục quân Ấn Độ vừa liệt kê một danh mục hơn 700 loại vũ khí và đồ quân dụng cần mua trong khoảng thời gian từ nay cho đến năm 2017 (Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 12). Dự tính, các hạng mục này sẽ ngốn của Ấn Độ một số tiền khổng lồ là 2000 tỷ rupee, tương đương 36 tỷ USD.

Số trang bị, vũ khí bao gồm: Xe tăng chủ lực và xe tăng hạng nhẹ, xe chiến đấu bộ binh, xe vận tải và trực thăng hạng nhẹ, trực thăng vũ trang và trực thăng vận tải. Số vũ khí này sẽ được sử dụng để trang bị cho binh chủng bộ binh đánh rừng núi (bộ binh sơn cước) đang được thành lập với tổng quân số lến đến 90.000 người. Ngoài ra, họ còn mua sắm súng tiểu liên, súng trường, mũ sắt và áo chống đạn…

Một quan chức quốc phòng Ấn Độ tiết lộ, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bikram Singh đã liệt danh mục mua sắm này vào loại “Công tác trọng điểm”. Công tác triển khai mua sắm các hạng mục trong kế hoạch này hiện đang ở trong nhiều giai đoạn, có loại thì đang mời thầu, loại thì đang chờ thử nghiệm, có loại thì đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng, trước khi đàm phán về giá cả.

Các quan chức quốc phòng Ấn Độ thừa nhận, các trang bị hiện có của lục quân nước mình “vừa thiếu vừa lạc hậu”. Lần cuối cùng lục quân nước này mua pháo lựu đạn là năm 1987, đến nay chúng đều thuộc loại cổ lỗ sĩ. Ngoài ra, gần 80% xe thiết giáp các loại không có khả năng quan sát ban đêm.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S được lục quân Ấn Độ mua của Nga

“Kế hoạch hiện đại hóa bộ binh tương lai” triển khai 6 năm về trước nhằm cải tạo, nâng cấp vũ khí, trang bị cho 359 tiểu đoàn bộ binh và 106 chi đội chống nổi dậy, sẽ bị trì hoãn thêm hơn 5 năm. Các quân chủng khác nằm trong lục quân như: phòng không, công trình, thông tin… cũng tồn tại vấn đề trang bị thiếu và yếu tương tự như trên.

Trong vòng 5 năm qua, một nửa số “kiến nghị thư” (REF) đã bị xóa sổ hoặc đình chỉ vì thiếu tính thực tế hoặc “không thể thực hiện”. Để bổ sung vào những khiếm khuyết trên, lục quân Ấn Độ đã triển khai xây dựng yêu cầu trang bị mang tính thực tế, sau đó mới đệ trình kiến nghị thư.

Lục quân Ấn Độ còn dự định tiến hành các thử nghiệm thực tế tại các đơn vị rồi mới hoàn tất các báo cáo có liên quan, để đưa ra các biện pháp cải cách hợp lý hơn. Chính vì vậy, đã dẫn đến thực trạng trình tự tiến hành một số lĩnh vực then chốt bị trì hoãn thêm một thời gian.

Tuy nhiên, một số quan chức quân sự vẫn cho rằng Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các hạng mục bị đình đốn. Họ chỉ ra là, tất cả các dự định mua sắm đều phải thông qua phê chuẩn của những 18 ban ngành trong Bộ Quốc phòng. Căn cứ vào quy định trong “Trình tự mua sắm quốc phòng”, quá trình phê chuẩn này phái mất từ 3 - 4 năm mới hoàn tất.

Bởi quá nhiều khâu xét duyệt và thủ tục rườm rà nên mỗi dự án đã lãng phí ít nhất 7 - 8 năm. Thiếu tướng Mulinaer Suman, chuyên gia nổi tiếng về trình tự mua sắm quốc phòng của Ấn Độ nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân dẫn đến vấn đề mua sắm quốc phòng bị chậm trễ là do chúng ta đang phải chịu hậu quả của tệ quan liêu của chính mình”.

(Nguồn: An ninh Thủ đô )