Để chiếm ưu thế tuyệt đối trên biển và trên không, Mỹ đã phát triển lực
lượng không quân hải quân hùng hậu mà nòng cốt là tàu sân bay. Với tàu
sân bay, Mỹ có thể triển khai không quân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Tuy nhiên, tàu sân bay thường chỉ được trang bị hệ thống vũ khí hạng
nhẹ. Vì thế để đảm bảo an toàn cho tàu trước các mối đe dọa từ trên
không và trên biển, Mỹ đã xây dựng nên nhóm tàu sân bay chiến đấu hùng
hậu để hộ tống gồm: 2 tuần dương hạm, 4 khu trục hạm, 2 tàu hậu cần kỹ
thuật, các tàu quét mìn và 2-3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa.
Trong đó, các tàu tuần dương, khu trục được trang bị hệ thống vũ khí
phòng không, chống tàu cực mạnh nhằm tiêu diệt mọi máy bay, tên lửa, tàu
chiến đối phương muốn tiếp cận mục tiêu.
Có thể nói, muốn tiếp cận được tàu sân bay Mỹ đối phương phải vượt qua
một hàng rào thép gần như bất khả xâm phạm. Đó là chưa kể lực lượng máy
bay tiêm kích hùng hậu ngay trên tàu sân bay có khả năng đánh chặn và
công kích mọi mục tiêu trên không và trên mặt nước trong bán kính hàng
nghìn km.
Trong chiến tranh lạnh, nhằm đối phó với nhóm tàu chiến đấu hùng hậu của
người Mỹ, Liên Xô đã quyết định phát triển ra những tên lửa hành trình
chống tàu “siêu khủng” chuyên diệt tàu sân bay. P-500 Bazalt Những năm 1960, các nhà khoa học quân sự Liên Xô đã bắt tay vào việc
phát triển tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-500 Bazalt (NATO
định danh là SS-N-12 Sandbox). Loại tên lửa này chính thức đi vào phục
vụ năm 1973.Tên lửa hành trình chống tàu P-500 Bazalt có kích cỡ lớn với chiều dài
11,7m, đường kính thân 0,9m, nặng khoảng 4,5 tấn. Tên lửa trang bị động
cơ đẩy rocket nhiên liệu lỏng cho phép đạt tốc độ vượt âm thanh (Mach
2,5), tầm bắn 550km.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-500.
Loại tên lửa này được thiết kế lập trình phát huy hiệu quả với “chiến
thuật bầy sói” - phóng nhiều tên lửa đánh vào cùng một mục tiêu để đạt
hiệu quả cao nhất.
Trong chiến đấu, sau khi xác định mục tiêu, tàu chiến sẽ bắn đồng loạt
khoảng 8 quả P-500, chúng sẽ liên kết với nhau thành một nhóm với tên
lửa “đầu đàn” bay lên cao khoảng 7.000m để tìm mục tiêu bằng radar. Các
tên lửa khác nằm ở độ cao thấp để tránh bị phát hiện sớm.
Khi tên lửa “đầu đàn” phát hiện tàu sân bay nó sẽ cung cấp dữ liệu cho
các tên lửa còn lại, và phần lớn các tên lửa này sẽ lao vào mục tiêu
chính là tàu sân bay. Ngoài ra, một số tên lửa sẽ tấn công mục tiêu khác
để phân tán khả năng đánh chặn của đối phương.
Trong trường hợp, tên lửa “đầu đàn” bị bắn hạ thì một tên lửa khác sẽ bay lên thế chỗ tiếp tục tìm kiếm và khóa mục tiêu.
Tuần dương hạm tên lửa Slava phóng P-500.
P-500 trang bị đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng tới 950kg cho phép bắn chìm
tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng phát bắn duy nhất. Nó cũng có khả năng mang
đầu đạn hạt nhân cỡ 350 kiloton.
Hiện nay, tên lửa hành trình P-500 Bazalt trang bị chủ yếu trên tuần
dương hạm tên lửa lớp Slava (Project 1164). Với 16 quả đạn P-500 Bazalt,
lớp Slava được xem là một trong những chiến hạm diệt tàu sân bay
“khủng” nhất của Hải quân Nga, là “cơn ác mộng” đối với hạm đội tàu sân
bay Mỹ.
P-700 Granit
Dựa trên thành tựu từ P-500 Bazalt, Liên Xô tiếp tục phát triển tên lửa hành trình chống tàu sân bay P-700 Granit mạnh hơn.P-700 Granit (NATO định danh SS-N-19 Shipwreck) có kích thước nhỏ hơn,
nhưng lại nặng hơn so với P-500 Bazalt.
Theo đó, P-700 dài 10m, đường
kính thân 0,85m, nặng 7 tấn.Tên lửa P-700 trang bị 2 động cơ (khởi tốc và hành trình), tên lửa đẩy
ra khỏi ống phóng bằng động cơ đẩy phụ nhiên liệu rắn. Sau khi đạt độ
cao ổn định, động cơ tuốc bin phản lực KR-93 được kích hoạt đưa tên lửa
tới mục tiêu, tốc độ hành trình vượt âm thanh (Mach 2,5), tầm bắn xa đến
625km.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh P-700 Granit.
Tên lửa dùng hệ dẫn đường quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ
động ở pha cuối. Tương tự chiến thuật sử dụng P-500, P-700 cũng áp dụng
“chiến thuật bầy sói”.
Tàu chiến sẽ bắn nhiều đạn tên lửa P-700 vào cùng một mục tiêu và sẽ có
tên lửa “đầu đàn” bay ở độ cao lớn hơn, chỉ định mục tiêu cho các tên
lửa khác tấn công.
Chúng sẽ tấn công các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên, từ cao nhất tới thấp
nhất. Và sau khi phá hủy các mục tiêu đầu tiên, tên lửa còn lại sẽ tấn
công mục tiêu ưu tiên tiếp theo. Với ưu thế phóng loạt thì hệ thống đánh
chặn của cụm tàu sân bay xem ra sẽ rất vất vả trong việc chống trả.
Tuần dương hạm tên lửa Kirov phóng P-700 Granit.
Tên lửa hành trình chống tàu P-700 Granit lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng
750kg, tuy nhỏ hơn P-500 nhưng đủ sức để gây thiệt hại lớn cho tàu
địch.
Hiện nay, tên lửa P-700 Granit chủ yếu trang bị trên tuần dương hạm tên
lửa lớp Kirov – chiến hạm siêu lớn của Nga chạy bằng năng lượng hạt nhân
có kích cỡ tương đương tàu sân bay hạng nhẹ. |