Sửng sốt với tên lửa tầm xa ALAS của Serbia
Tại triển lãm vũ khí IDEX – 2013 vừa tổ chức ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả rập), điều khiến các nhà chiến thuật quân sự sửng sốt khi họ được giới thiệu về tên lửa chống tăng tầm xa ALAS của Serbia.

Tên lửa chống tăng ALAS là loại tên lửa có điều khiển, đa năng hạng nặng, được dùng làm vũ khí tấn công tiêu diệt các mục tiêu mặt đất như xe tăng, sở chỉ huy, trung tâm truyền tin, cũng như tàu xuồng nhỏ, trực thăng bay thấp và bộ binh.

Sửng sốt với tên lửa tầm xa ALAS của Serbia
Loại tên lửa ALAS của Serbia

ALAS có khả năng phóng từ mặt đất (lắp trên xe bánh lốp, bánh xích) hoặc phóng từ mặt biển (lắp trên tàu nhỏ) và trên không (lắp từ trực thăng).

Hiện tại, mẫu tên lửa ban đầu mới chỉ đạt từ 4 đến 8km, trọng lượng 50 đến 55kg, đầu đạn nặng 10kg, chiều dài 2.040mm, đường kính 175mm, sải cánh của cánh hình chữ thập là 1.450mm và có thể gấp gọn được.

Với đa tính năng, ALAS có thể tiêu diệt các mục tiêu ở chế độ tự động hoặc mục tiêu chọn trước với sự tham gia điều khiển tích cực của xạ thủ, cũng như ở chế độ tự do sục sạo.

Do mục tiêu ngoài tầm nhìn của mắt thường, nên ALAS có cấu trúc điều khiển theo hệ dẫn lệnh nhờ đầu tự dẫn truyền hình - ảnh nhiệt. Lệnh điều khiển được truyền theo cáp sợi quang (rải ra ở đuôi đạn). Vì thế, nó còn là vũ khí chiến thuật trợ chiến hữu dụng cho bộ binh.

Tên lửa ALAS được trang bị một động cơ khởi động, gia tốc bằng nguyên liệu rắn, sau đó được đẩy tiếp bằng một động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ (ТММ-404) với lực đẩy gần 40kg. ALAS mới sẽ có tầm bắn đến 25km ở tốc độ hành trình 180 m/s trong khi Hãng Yugoimport-SDPR của Serbia cho biết họ còn có thể tăng tầm bắn cho tên lửa lên đến 60km!

Dẫu rằng hai Công ty liên doanh mới chỉ chế tạo được các mẫu trình diễn về mặt công nghệ. Nhưng về lý thuyết, nó sẽ là một vũ khí bộ binh có hỏa lực mạnh và sức đột kích ghê gớm.

Đầu đạn lõm được thay bằng đầu đạn nhiệt áp khi sử dụng tiêu diệt các mục tiêu là lô cốt, công sự và mục tiêu có chiều dày thành công sự lớn. Khi bắn máy bay bay thấp, đầu đạn tên lửa sẽ tự phân mảnh.

Quy trình tấn công của ALAS là: Phóng đi bằng động cơ gia tốc, rồi tiếp tục bay ở độ cao từ 300 đến 500m bằng động cơ turbine phản lực. Tới giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay theo dữ liệu lập trình trước. Khi đến gần mục tiêu, xạ thủ điều khiển bằng cần (stik) và màn hình sẽ triệt tiêu sai lệch. Đầu dò hình ảnh camera và ảnh nhiệt sẽ bám theo mục tiêu và lệnh điều khiển được truyền theo cáp sợi quang. Nếu tấn công tàu chiến, tên lửa cũng có thể bay ở độ cao rất thấp, chỉ vài mét trên mặt nước.

So sánh chỉ số kỹ thuật cũng cho thấy, ALAS thuộc loại tên lửa có tốc độ tương đối thấp - "tốc độ cận âm trung bình", tối đa chỉ 180 m/s. Cảm biến ở đầu đạn của ALAS có góc quan sát rộng, chẳng khác nào một “máy bay không người lái tấn công cảm tử”.

Ngoài ra, ALAS có thể tích hợp vào các hệ thống tác chiến lớn, kết hợp với radar, trinh sát pháo binh, hệ thống trực thăng thám sát... đều có thể mang theo ALAS để nâng cao tính năng chiến đấu.

Tuy nhiên, với địa hình che khuất, cây, cột điện và các kiến trúc dân sự, tên lửa ALAS có thể gặp trở ngại khi ngắm bắn. Nhưng trên sông, biển và bình nguyên, sa mạc thì hiệu quả bắn của nó là hết sức khôn lường.

(Nguồn: Dân Việt )