Vũ khí 'lai tạo' độc đáo trong quân đội Việt Nam
Việc kết hợp vũ khí có nguồn gốc từ những quốc gia khác nhau là giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của Việt Nam, vừa tạo được nét độc đáo trong chiến thuật sử dụng vũ khí.

Đối với quân đội Việt Nam việc trưng dụng các vũ khí chiến lợi phẩm của đối phương vào chiến đấu đã được thực hiện từ rất lâu trong những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ.

Đặc biệt, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, số vũ khí trang bị thu được từ quân đội VNCH và quân đội Mỹ để lại rất nhiều.

Kết hợp vũ khí có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau là giải pháp hiệu quả để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho quân đội Việt Nam nói chung và hải quân nói riêng.

Những năm chiến tranh biên giới căng thẳng, trước yêu cầu cấp bách về chi viện hỏa lực đường không, truy quét tàn quân Khơ me đỏ, các cán bộ kỹ sư hàng không Việt Nam đã tiến hành cải tiến cơ cấu phóng để đưa rocket của Mỹ lên sử dụng trên trực thăng vũ trang Mi-24 của Nga.

Giải pháp này cho phép tận dụng số vũ khí của Mỹ để lại tạo nên lợi thế lớn về mặt hỏa lực vừa tiết kiệm rất lớn cho ngân sách. Những chiếc trực thăng Nga mang tên lửa Mỹ đã khiến tàn quân Khơ me đỏ khiếp vía.

Gần đây, tạp chí quân sự uy tín Jane’s Defence Weekly đưa tin, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán mua máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion từ Mỹ. Tuy nhiên, hợp đồng mua 6 chiếc P-3C Orion không bao gồm vũ khí đi kèm.

Điều này làm dấy lên mối quan tâm, liệu P-3C không có vũ khí có làm giảm giá trị và vai trò “sát thủ săn ngầm” của nó hay không. Trên thực tế P-3C không có vũ khí vẫn mang lại lợi ích rất lớn về mặt chiến lược trong việc đảm bảo tuần tra hàng hải và chiến tranh chống ngầm khi cần thiết.

P-3C chỉ cần mang vũ khí không điều khiển ở khoang bên trong cũng đủ để tiêu diệt bất cứ tàu ngầm nào chưa nói đến giải pháp trang bị vũ khí có điều khiển.

Đối với tình hình hiện tại, công tác tuần tra hàng hải, phát hiện tàu và tàu ngầm lạ xuất hiện trong vùng biển vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, chụp ảnh, đánh dấu vị trị là vấn đề quan trọng hơn so với việc tiêu diệt chúng.

Mặt khác, P-3C không trang bị vũ khí thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải trên Biển Đông sẽ tránh được vấn đề hiểu lầm từ các quốc gia khác. Trong hoạt động chiến tranh chống ngầm thì việc phát hiện được tàu ngầm là khâu quan trọng nhất, một khi bị phát hiện tàu ngầm rất dễ bị tiêu diệt.

Trong trường hợp xảy ra xung đột, với kinh nghiệm từng gắn vũ khí Mỹ cho máy bay Nga việc thực hiện ngược lại có thể nằm trong khả năng của các chuyên gia Việt Nam. Hơn nữa, với khoang chở vũ khí bên trong, P-3 có thể mang theo các loại vũ khí không điều khiển như: Mìn, bom sâu, thủy lôi.

Những vũ khí trên có thể thả xuống vị trí phát hiện tàu ngầm và hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ tàu ngầm nào. Xa hơn, có thể cải tiến về hệ thống điều khiển hỏa lực để có thể trang bị các loại vũ khí có điều khiển khác của Nga như: Tên lửa chống hạm Kh-35, ngư lôi ..

Hệ thống điện tử hiện đại của máy bay Mỹ kết hợp với tính hiệu quả của vũ khí Nga sẽ cho phép tạo ra một sức mạnh chiến đấu khác biệt và “không đụng hàng”. Khả năng chiến đấu của P-3 trong trường hợp này không những được duy trì mà còn trở nên mạnh hơn.

(Nguồn: Infonet )