Văn phòng thiết kế Tula đang phát triển biến thể mới nhất của hệ thống
tên lửa chống tăng Kornet có thể theo dõi và tiêu diệt các xe tăng trong
chế độ tự động, tương tự như Javelin của Mỹ và Spike của Israel.
Cho đến nay, các tổ hợp tên lửa chống tăng của Nga mới chỉ được điều
khiển thủ công, được điều chỉnh thường xuyên bằng thước ngắm nhờ những
phím điều khiển. Hệ thống mới hoạt động trên nguyên lý "bắn và quên",
nhưng xạ thủ có thể điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa nếu cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã bày tỏ sự hoài nghi về tính năng và thiết kế của hệ thống này.
“Tên lửa khi bay phải hoàn toàn tự dẫn, giống như của Mỹ, nhưng hệ
thống này lại được điều khiển bởi thiết bị phóng. Vì vậy, nó không phải
là hệ thống chống tăng thế hệ thứ ba, nó chỉ là 2+ mà thôi. Khi bệ phóng
bị phá hủy - tên lửa sẽ rơi” – Izvestia dẫn lời một sĩ quan quân đội là người theo dõi quá trình phát triển biến thể tên lửa Kornet mới.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế có lý do để phát triển loại tên lửa mới từ hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại Kornet-EM.
Nguyên mẫu tổ hợp tên lửa diệt tăng Kornet-EM.
Các nhà thiết kế của Tula giải thích rằng họ đã cố tình lắp đặt hệ thống
dẫn đường ngay trên bệ phóng chứ không phải là tích hợp vào trong tên
lửa. Họ cho rằng khi tấn công một nhóm xe tăng, các tên lửa được tích
hợp hệ thống tự dẫn hoàn toàn bên trong sẽ không lao tới các mục tiêu đã
định mà sẽ chỉ tập trung vào một chiếc xe tăng bị tiêu diệt đầu tiên
khi xe tăng này phát nổ và sinh ra nguồn nhiệt lượng rất lớn. Với biến
thể mới của tên lửa Kornet-EM được trang bị hệ thống điều khiển ngay
trên bệ phóng, xạ thủ có thể điều chỉnh quĩ đạo của các tên lửa đến các
mục tiêu khác nhau.
“Ví dụ, có 3 xe tăng đang cơ động. Chúng tôi bắn cháy một chiếc. Xe
tăng cháy và sinh ra nguồn nhiệt rất lớn. Vì vậy, tất cả các tên lửa bắn
ra sau đó với đầu dò cảm ứng nhiệt như của Javelin sẽ đáp ứng nguồn
nhiệt mạnh mẽ này. Và xạ thủ sẽ không thể tác động đến các tên lửa để
chúng bay thay đổi quỹ đạo tới mục tiêu” – Đại diện của phòng thiết kế Tula giải thích.
Tên lửa diệt tăng Javelin của Mỹ .
Ngoài ra, đại diện văn phòng thiết kế cho biết thêm rằng, giá thành của
hệ thống tự dẫn trang bị trên đạn tên lửa chiếm tới 90% giá thành của
toàn tổ hợp, do đó sau khi phóng, toàn bộ tổ hợp coi như “bỏ đi”. Còn
Kornet thì khác, hệ thống dẫn hướng vẫn còn trong bệ phóng. Vì vậy, biến
thể tên lửa của Nga tiết kiệm hơn nhiều so với của Mỹ và Israel.
“Tên lửa Mỹ và Israel có chi phí khoảng 120 triệu USD mỗi chiếc, còn của chúng ta - ít hơn 6-7 lần” – Izvestia cho biết.
Nguồn tin cũng cho biết rằng hệ thống mới không chỉ có khả năng tiêu
diệt xe tăng và xe bọc thép, mà còn tiêu diệt cả trực thăng và máy bay
bay ở độ cao hàng trăm mét. |