Indonesia - Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác phát triển xe tăng hạng trung
Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã ký các thỏa thuận hợp tác cùng phát triển xe tăng hạng trung và thiết bị thông tin liên lạc nhằm thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng chặt chẽ hơn, cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ (ToT) cho các công ty quốc phòng của Indonesia.
Ông Silmy Karim – Trợ lý phụ trách hợp tác của Ủy ban chính sách Công nghiệp Quốc phòng Indonesia (KKIP), hôm 15.5 cho biết Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký các thỏa thuận về hợp tác phát triển xe tăng hạng trung và các thiết bị thông tin liên lạc tại Hội chợ Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế (IDEF) năm 2013 diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Karim cho biết thêm hợp tác sản xuất xe tăng là cần thiết để hướng tới điều khiển tốt hệ thống vận hành của các xe bọc thép.

Chương trình hợp tác sản xuất xe tăng sẽ tương tự như hợp tác phát triển máy bay vận tải hạng trung CN-295 giữa Công ty Airbus Military đặt ở Tây Ban Nha và Công ty sản xuất máy bay PT Dirgantara của Indonesia. “Trong quá trình mua các hệ thống vũ khí, chúng tôi không chỉ yêu cầu các phẩm hoàn thiện mà còn là quá trình chuyển giao công nghệ”, ông Karim nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tiềm lực Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Indonesia, Pos Hutabarat, phát biểu tại cuộc họp báo: “Cùng với IDEF, hai nước cũng đã tổ chức một cuộc họp song phương về hợp tác công nghiệp quốc phòng. Indonesia chọn đối tác Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì nước này có ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến. Chỉ cần 3 đến 4 năm để phát triển xe tăng, 3 đến 5 năm để phát triển tên lửa và 10 đến 15 năm cho phát triển máy bay chiến đấu”.

“Việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là một bước tiến mới để từ đó chúng tôi tiếp tục tiến tới hợp tác với các nước khác. Trước đó, chúng tôi cũng đã hợp tác với Hàn Quốc”, ông Karim cho hay. Quá trình hợp tác giữa Indonesia và Hàn Quốc bao gồm chương trình máy bay tiêm kích phản lực KFX/IFX hiện đang tạm ngưng và kế hoạch đóng tàu ngầm ở Indonesia dùng công nghệ và các chuyên gia Hàn Quốc.

Một hình thức hợp tác khác nữa của Indonesia là sản xuất trong nước, đó là chương trình sản xuất tên lửa đối hạm C-705 của Trung Quốc được nghiên cứu rất khả thi.
(Nguồn: Lao Động )