Ray Waru, một nhà văn kiêm nhà sản xuất phim, đã tình cờ thấy văn bản về dự án chế tạo "bom sóng thần" trong kho tài liệu quân sự của một nhà sưu tầm cá nhân, ABC đưa tin. Mục tiêu của "Chó biển", tên của dự án bom sóng thần, là tạo ra thứ vũ khí có khả năng nhấn chìm các thành phố ven biển của đối phương bằng sóng thần. Nó được khởi xướng vào năm 1944 và khép lại chỉ vài tháng trước khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản vào năm 1945. Khi đó các nhà khoa học đã sắp hoàn thành quá trình chế tạo bom sóng thần. Dự án bị ngừng bởi hai lý do: Bom nguyên tử đã ra đời và đại chiến thế giới sắp kết thúc. Nhóm nghiên cứu của Mỹ và New Zealand kết luận rằng họ cần hai triệu kg thuốc nổ và các vụ nổ phải diễn ra đồng loạt trên một vùng nước có chiều dài vài km để có thể tạo ra một đợt sóng có chiều cao từ 10 tới 12m trên bờ.
Khoảng 4.000 thử nghiệm dưới nước đã diễn ra trong nhiều tháng tại các điểm du lịch nổi tiếng nhất trên bán đảo Whangaparaoa của New Zealand. Các nhà khoa học thời đó muốn biết họ phải tạo ra bao nhiêu vụ nổ, ở độ sâu thế nào, quy mô các vụ nổ ra sao để có thể tạo nên sóng thần. "Nhóm nghiên cứu kết luận rằng họ cần hai triệu kg thuốc nổ và các vụ nổ phải diễn ra đồng loạt trên một vùng nước có chiều dài vài km để có thể tạo ra một đợt sóng có chiều cao từ 10 tới 12m trên bờ", Waru nói. Các văn bản cho thấy chính phủ New Zealand đảm nhận mọi hoạt động vận tải và hậu cần, đồng thời cho phép thử bom sóng thần trên lãnh thổ của họ, còn chính phủ Mỹ cung cấp các công nghệ chế tạo bom. Theo phán đoán của Waru, rất có thể khi đó Mỹ muốn dùng bom sóng thần để tấn công Nhật Bản, bởi rất nhiều thành phố của nước này tọa lạc ven biển. "Tôi đoán rằng quân đội Mỹ muốn tấn công các thành phố và công sự ven biển của Nhật Bản bằng bom sóng thần trước khi đổ bộ vào sâu trong đất liền", Waru bình luận. |