Trung-Ấn đua nhau phóng thử tên lửa đạn đạo
Trong khi Trung Quốc tiến hành phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo JL-2 từ tàu ngầm Ấn Độ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi II.

Washington Post trích dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Tấn trên vịnh Bột Hải vào trung tuần tháng 8/2012.

Trước đó ngày 9/8, đài truyền hình Thâm Quyển đưa tin, một tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Tấn được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 đã được điều động ra biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra.

Sau đó không lâu, ngày 13/08/2012, Cục quản lý an toàn hàng hải tỉnh Liêu Ninh công bố từ 16-17/08/2012 eo biển Bột Hải sẽ tiến hành diễn tập quân sự cấm tất cả các tàu thuyền đi vào khu vực nói trên.

Hình ảnh về thử nghiệm tên lửa SLBM JL-2 trên vịnh Bột Hải, có rất nhiều người đứng gần quan sát vụ phóng tên lửa Ảnh:Chinamilitaryreview

Nguồn tin quân sự Mỹ khẳng định, việc đóng cửa eo biển Bột Hải là để tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa JL-2 từ tàu ngầm.

Báo cáo cho biết quá trình thử nghiệm tên lửa đã diễn ra thành công nhưng không cho biết chi tiết về tầm bắn của tên lửa trong lần thử nghiệm này.

JL-2 là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được phát triển để thay thế cho tên lửa JL-1, JL-2 là biến thể thu gọn của DF-31, tầm bắn của biến thể này khoảng 7.400-8.000km. Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về vụ phóng thử tên lửa này.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi II rời bệ phóng Ảnh: FAS

Trong khi đó, ngày 25/08/2012, Ấn Độ cũng tiến hành phóng thử thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật  Prithvi II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Vụ phóng diễn ra vào lúc 11h5 (giờ địa phương) tại bãi thử nghiệm tên lửa Balasore bang Orissa, Ấn Độ, tên lửa đánh trúng mục tiêu giả định tại vịnh Bengal với độ chính xác tuyệt đối.

Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, các thông số của quá thử nghiệm đều đạt mục tiêu đề ra.

Prithvi II là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm bắn 350km có khả năng mang đầu đạn nặng từ 500-1.000kg đặc biệt tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Prithvi II được thiết kế với khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương. Tên lửa có độ chính xác rất cao, sai số vòng tròn bán kính (CEP) của tên lửa chỉ khoảng 10m. Tên lửa này có vai trò tương tự tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga.

Chỉ trong vòng 2 tuần, 2 cường quốc quân sự hàng đầu châu Á đua nhau phóng thử tên lửa. Tuy rằng 2 vụ phóng tên lửa có vai trò khác nhau song đều cùng một mục đích tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh nhau trong việc trở thành cường quốc quân sự số 1 châu Á.


(Nguồn: khoa hoc )