Tại sao phương Tây “ma quái hóa” tên lửa Ngân Hà-3 của Bắc Triều Tiên?
“Phương Tây đã lấy “ý thức hệ” để đặt ra tiêu chuẩn kép, còn Mỹ là mối đe dọa lớn nhất của hòa bình thế giới khi dựa vào xã hội đen cao bồi…”.

Tân Hoa xã ngày 11/4 có bài viết bình luận về thái độ ứng xử của phương Tây mang màu sắc ý thức hệ đối với CHDCND Triều Tiên và Ấn Độ trong vấn đề phóng tên lửa.

Tân Hoa xã viết, nếu bạn vào công cụ tìm kiếm Google, bạn sẽ phát hiện ra rằng những thông tin về việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) trên báo chí phương Tây có tới hơn 5.000 kết quả, nhưng các thông tin về việc Ấn Độ chuẩn bị phóng tên lửa Agni-5 chỉ có khoảng 100 kết quả.

Nhìn vào số lượng này, báo chí phương Tây có thái độ hoàn toàn khác nhau trong cách ứng xử với Ấn Độ và CHDCND Triều Tiên.

Về góc độ độ minh bạch, CHDCND Triều Tiên đã vượt xa Ấn Độ. Khi tuyên bố phóng vệ tinh, CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố muốn mời các nước quan sát, hai ngày trước báo giới các nước còn đến Trạm phóng vệ tinh Sohae – CHDCND Triều Tiên để chụp ảnh tên lửa đẩy Ngân Hà-3 đã hoàn thành lắp đặt.

Tân Hoa xã viết: "Trong khi đó, Ấn Độ phóng tên lửa đạn đạo Agni-5, vừa không công bố các hình ảnh có liên quan, vừa không mời báo giới đến đưa tin. Hành vi này đã phân rõ trắng đen".

Nhìn từ góc độ công nghệ, lần này CHDCND Triều Tiên sử dụng tên lửa đẩy để phóng vệ tinh nhân tạo. Mặc dù công nghệ hàng không này có thể ứng dụng cho phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, nhưng chúng rốt cuộc có sự khác biệt nhất định.

Tên lửa đẩy Ngân Hà-3.

Trong khi đó, tình hình của Ấn Độ lại hoàn toàn khác. Tờ “The Hindu” cho biết, tên lửa Agni-5 đã hoàn thành lắp áp trên mặt đất, có tầm phóng 5.000 km. Chuyên gia Ấn Độ Cheadle còn tuyên bố muốn tiến hành phóng từ xe phóng cơ động trên đường bộ.

Về tên gọi, Ấn Độ cho biết rõ Agni-5 là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hơn nữa còn có thể tiến hành phóng cơ động trên mặt đất. Điều này tạo ra sự trái ngược hoàn toàn với tên lửa đẩy Ngân Hà-3 của CHDCND Triều Tiên chờ đợi ở giá phóng.

Nhìn vào phương pháp phán đoán “mối đe dọa” của báo giới phương Tây trước đây, mức độ “phạm luật” của Ấn Độ đều vượt xa CHDCND Triều Tiên.

Ấn Độ nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trên thực tế là sự tác động to lớn tới hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân của thế giới. Nhưng, thực tế là các nước phương Tây không quan tâm tới Ấn Độ, lại tốn nhiều bút mực đối với việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa.

Tân Hoa xã cho rằng, trong vấn đề này, dẫn đầu là Nhật Bản và Mỹ, các phương tiện truyền thông của một số nước đã tiến hành “ma quái hóa” có hệ thống và mục đích đối với việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa. Tên lửa còn chưa phóng, đã bắt đầu dự đoán phải dùng biện pháp nào để đánh chặn khi nó thất bại.

Nhật Bản triển khai tên lửa Patriot-3 sẵn sàng đánh chặn tên lửa CHDCND Triều Tiên.

Báo giới Nhật Bản liên tục đưa tin điều chỉnh tuyến đường biển quốc tế, cố gắng tạo ra bầu không khí dư luận về ảnh hưởng bất lợi của tên lửa CHDCND Triều Tiên đối với cuộc sống người dân.

Theo Tân Hoa xã thì Mỹ càng hung hăng hơn, đối với việc CHDCND Triều Tiên mời các chuyên gia nước ngoài đến tham quan hiện trường phóng vệ tinh, Mỹ không chỉ tuyên bố không cử chuyên gia, mà còn yêu cầu nước khác cũng không cử chuyên gia.

Ngoài ra, với tư cách là nước lớn về hàng không vũ trụ, ở góc độ công nghệ, Mỹ còn phân tích tên lửa CHDCND Triều Tiên phóng xuống phía nam, phỏng đoán CHDCND Triều Tiên có mục đích phóng tên lửa lớn hơn là vệ tinh.

Tân Hoa xã kết luận, trong con mắt của báo giới phương Tây, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa là “xấu”, Ấn Độ mặc dù bất chấp tất cả, tiến hành phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thì cũng có thể tha thứ.

Tân Hoa xã cho rằng, hiện nay, các nước trên thế giới không nên lấy ý thức hệ làm tiêu chuẩn, thực hiện tiêu chuẩn kép, mà nên bắt tay với nhau, cùng cố gắng cắt giảm vũ khí tên lửa, vũ khí hạt nhân thậm chí phi hạt nhân hóa trên phạm vi thế giới.

Tân Hoa xã kết luận rằng: "Nếu Mỹ đến cả sự công bằng, khách quan tối thiểu cũng không quan tâm, dựa vào xã hội đen cao bồi có tổ chức để duy trì an ninh trật tự, thì họ thực sự đã trở thành mối đe dọa lớn nhất của hòa bình thế giới".

Dưới đây là một số hình ảnh về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-5 của Quân đội Ấn Độ sắp được phóng thử trong thời gian tới:


(Nguồn: Giaoduc )