10h,
đoàn tên lửa phòng không 64 (Đoàn phòng không Hà Nội) nhận lệnh báo
động, ngay lập tức toàn đoàn chuyển sang cấp 1 - sẵn sàng chiến đấu.
Ở tất cả vị trí chiến đấu, các hệ thống
ăngten, bệ phóng tên lửa tự hành từ từ dựng lên trời đầy kiêu hãnh,
trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1. Chỉ chưa đầy năm phút
sau khi nhận lệnh, toàn bộ tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 đã triển
khai xong và sẵn sàng phóng tên lửa đến mục tiêu.
Không bỏ sót mục tiêu
Tại sở chỉ huy trên không, radar phát hiện mọi độ cao 96L6E
nhanh chóng phát hiện nhiều tốp mục tiêu đang bay vào khu vực bảo vệ của
đoàn. Chỉ huy bắn - đoàn trưởng - thiếu tá Nguyễn Quốc Văn yêu cầu kíp
đài radar khẩn trương thiết lập quỹ đạo đường bay, xác định chính xác số
lượng kiểu loại, các tham số về phương vị, cự ly, độ cao và vận tốc của
mục tiêu để chỉ thị đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa
đánh đúng đối tượng.
Đài radar chiếu xạ mục tiêu và điều
khiển tên lửa 30N6E được ví là “siêu mắt thần”. Bởi đây là đài radar đa
kênh - đa chức năng, sử dụng hệ thống ăngten mạng pha xung dopler hiện
đại có khả năng phát hiện được các loại mục tiêu chế tạo theo công nghệ
“tàng hình” (kể cả mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng tới 0,02m2),
khả năng chống nhiễu tốt với tất cả các dạng nhiễu tiêu cực và nhiễu
tích cực. Các bộ phận trong kíp chiến đấu căng mắt nhìn vào các màn hình
và liên tục thao tác. Hàng chục màn hình lớn nhỏ hiển thị liên tục
những tham số về tốc độ di chuyển, hướng đi của mục tiêu; về tình trạng
sẵn sàng bắn hỏa lực của hệ thống vũ khí khí tài...
Đến lúc này, tôi mới cảm nhận chân thực
và đầy đủ hơn câu nói của đoàn trưởng Nguyễn Quốc Văn trước đó: “Khi sử
dụng S-300PMU1, sĩ quan chỉ huy tác chiến không cầm súng như bộ binh,
không lái máy bay như phi công. Chúng tôi chiến đấu qua hệ thống điều
khiển, màn hình, các tín hiệu...”.
Cùng lúc đó, ở sở chỉ huy mặt đất, kíp
tiêu đồ quản lý vùng trời đang tập trung liên lạc bằng các tín hiệu
morse dồn dập đổ về. Trước mặt họ là hai bảng mạng tình báo khu vực và
tình báo hỏa lực rất lớn. Cũng thời điểm này trong sở chỉ huy trên
không, các sĩ quan liên tục thao tác, báo cáo, nhận lệnh... trong khi
nhân viên tiêu đồ đang tập trung đi đường bay theo thông báo của mạng
tình báo radar khu vực. Các mục tiêu trên không nhanh chóng được phát
hiện, bắt và bám sát từng milimet.
“Mục tiêu đã được bám sát và xác định
được đầy đủ các phần tử mục tiêu” - sĩ quan bắt và bám sát mục tiêu báo
cáo. “Đoàn quyết tâm tiêu diệt mục tiêu ném bom chiến lược bằng hai tên
lửa” - chỉ huy bắn ra lệnh tiêu diệt mục tiêu.
Sau khi xác định mục tiêu đã vào vùng
phóng, sĩ quan phóng Nguyễn Thanh Nguyện nhấn nút điều khiển phóng hỏa
lực. Hai quả tên lửa rời bệ phóng lao đi với vận tốc 1.900m/giây, tiêu
diệt ngay mục tiêu trên không.
Đó là một trong những tình huống tác
chiến trên không giả định mà các cán bộ, chiến sĩ của đoàn tên lửa phòng
không 64 thường xuyên huấn luyện.
Vài nét về sư đoàn phòng không 361
Đoàn tên lửa phòng không 64
là một trong 13 đơn vị trực thuộc sư đoàn phòng không 361 (Đoàn phòng
không Hà Nội). Sư đoàn 361 thành lập ngày 19-5-1965 với nhiệm vụ bảo vệ
bầu trời Hà Nội.
Trong chiến dịch 12 ngày
đêm (tháng 12/1972), sư đoàn là lực lượng phòng không chủ lực bảo vệ Hà
Nội, bắn rơi 29 máy bay (trong đó có 25 máy bay B52)! Ngày 15/1/1976, sư
đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
|
“Rồng lửa” hiện đại
Đoàn trưởng Nguyễn Quốc Văn cho biết: “Khi được tiếp nhận và sử
dụng S-300PMU1, chúng tôi coi đây là vinh dự lớn và càng nhận thức rõ
trách nhiệm sâu sắc của từng người đối với loại khí tài rất hiện đại mà
đất nước đã tin tưởng giao cho mình”.
S-300PMU1 có khả năng tiêu diệt tất cả
phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch trong hiện tại và cả
tương lai, các loại máy bay chiến lược, tên lửa có cánh và tên lửa đạn
đạo trong tất cả khu vực hoạt động rộng lớn tới 1.600km2 (trong khi hệ thống tên lửa phòng không Patriot chỉ 300km2).
Với xác suất tiêu diệt mục tiêu rất
cao, S-300PMU1 thật sự là ác mộng với đối phương khi tác chiến trên
không bởi hỏa lực của nó được coi là mạnh nhất trong hệ thống tên lửa
phòng không hiện đại thế giới. Tầm quan sát, phát hiện mục tiêu của tổ
hợp này lên đến 300km và tiêu diệt trong cự ly 150km.
Cùng một lúc, S-300PMU1 có khả năng bám
sát và tiêu diệt sáu mục tiêu, điều khiển đến 12 tên lửa và quản lý tới
100 mục tiêu. S-300PMU1 có khả năng bắn hạ mục tiêu ở độ cao lên đến
27.000m và thậm chí ở độ cao chỉ 10m. Ngay cả những mục tiêu vận tốc lên
đến 10.000km/giờ cũng dễ dàng hóa thành con mồi dưới hỏa lực của
S-300MPU1.
Thời gian phản ứng của S-300PMU1 được
coi là số 1 hiện nay. Khi đang hành quân, tổ hợp cơ động này có khả năng
chuyển sang chế độ sẵn sàng chiến đấu chỉ trong thời gian nhỏ hơn 5
phút (con số này với hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng Patriot
của Mỹ là 30 phút). Và chỉ mất 40 giây để S-300PMU1 chuyển sang chế độ
chiến đấu từ chế độ trực ban.
Toàn bộ hệ thống của đài radar chiếu xạ
mục tiêu và điều khiển tên lửa đa kênh, đa chức năng 30N6E được đặt
trên xe đặc chủng có thể leo dốc 30O, vượt hào 2,5m, lội nước 1,3m, quãng đường hành quân liên tục 500km.
Đặc biệt khi xe hỏng một bánh cho phép
treo bánh và tiếp tục hành quân tới vị trí bảo dưỡng đến 40km. radar
phát hiện mọi độ cao 96L6E thông minh có các hệ thống thăng bằng tự
động. Xe bệ phóng tự hành có khả năng bảo dưỡng đạn tên lửa tại chỗ, có
thể mang đạn đi khi hành quân và thời gian di dời chỉ trong 5 phút (với
các loại hệ thống phòng không cũ phải mất 60-90 phút!).
Mỗi xe bệ phóng tự hành gồm một chỉ huy
và một lái xe kiêm trắc thủ. Thế nên ngay cả “tài xế” của đoàn tên lửa
phòng không 64 cũng được đào tạo bài bản ở Nga và tham gia một số khóa
huấn luyện khi về nước.
Sức trẻ điều khiển “rồng lửa”
Đến đoàn tên lửa phòng không 64 lần đầu
tiên sẽ rất ngạc nhiên khi luôn bắt gặp những gương mặt rất trẻ từ chỉ
huy đến sĩ quan. Họ - những con người làm chủ được một trong những hệ
thống tên lửa phòng không hiện đại, đôi mắt luôn bừng lên sự tự tin,
vững chãi khi trao đổi với các chuyên gia người Nga.
Dù mới chỉ mang quân hàm thiếu tá, anh
Nguyễn Quốc Văn đã được tin tưởng giao trọng trách đoàn trưởng. Năm
2009, chàng sĩ quan người Hà Nội có gương mặt rất thư sinh này khi đang
là tham mưu trưởng của đoàn đã được cấp trên cho đi đào tạo lớp chỉ huy
tham mưu cấp chiến thuật - chiến dịch tại Học viện Phòng không - không
quân. Tháng 9-2011, khi về đoàn tên lửa phòng không 64, Quốc Văn đã bắt
đầu chỉ huy buổi diễn tập bắn đạn thật có sự tham gia của S-300PMU1.
Phó đoàn trưởng - tham mưu trưởng
Nguyễn Trần Luyện cũng mang quân hàm thiếu tá và 35 tuổi. Đó là chưa kể
đội ngũ sĩ quan rất nhiều người thuộc thế hệ 8X, người trẻ nhất mới 24
tuổi. Còn chiến sĩ đa số thuộc thế hệ 9X!
Từ tháng 7/2005, đoàn tên lửa 64 bắt
đầu tiếp nhận toàn bộ vũ khí khí tài của tổ hợp tên lửa phòng không
S-300PMU1 cơ động từ cảng Hải Phòng về. Sau hai lớp tập huấn do chuyên
gia người Nga trực tiếp giảng dạy trong 120 ngày, các cán bộ, chiến sĩ
của đoàn đã nắm vững tất cả thao tác sử dụng tổ hợp vũ khí tên lửa phòng
không hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay trong thực hành chuẩn bị
chiến đấu và cả bảo dưỡng kỹ thuật.
Tham mưu trưởng Nguyễn Trần Luyện cho
biết: “Từ tháng 10/2006, chúng tôi đã có thể tự huấn luyện chuyển loại
toàn bộ cho sĩ quan trẻ”.
“Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi
người đều cảm thấy rất vinh dự khi được làm việc với loại khí tài hiện
đại nhất quân chủng và là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không
hiện đại thế giới” - sĩ quan phóng Nguyễn Thanh Nguyện 26 tuổi chia sẻ.
Tất cả đều đạt điểm giỏi
Đoàn tên lửa phòng không 64
ra đời ngày 20/9/2005 nhưng trước đó, từ tháng 10-2004 đã diễn ra cuộc
tuyển chọn trong toàn sư đoàn phòng không 361 để chọn ra 46 người chuẩn
bị tham gia học chuyển loại tên lửa S-300PMU1. Sau hai tháng huấn luyện
chuyển loại ở Kim Bài (Hà Nội), tháng 1-2005 họ lên đường sang Nga tham
gia một khóa học chuyển loại vũ khí khí tài mới kéo dài sáu tháng.
Thiếu tá Lương Đình Thi -
một trong những người từng được cử sang Nga học chuyển loại - cho biết:
“Ngoài thời gian tám giờ học một ngày, chúng tôi luôn tận dụng hỏi
chuyên gia ngay sau giờ học. Dù chỉ tranh thủ được khoảng 10 phút vì
chuyên gia rất bận nhưng đó thật sự là những giây phút rất đáng quý. Tối
về anh em còn thức đêm đọc nghiên cứu tài liệu, xem lại những phần chưa
hiểu trao đổi với nhau...”.
Kết thúc khóa học, 46 học
viên đã tham gia diễn tập bắn đạn thật tại trường bắn Ka-pútrin-iar của
Bộ Quốc phòng Nga. Những cán bộ, sĩ quan trẻ Việt Nam đã làm các thầy
người Nga thán phục với kết quả diệt mục tiêu, đạt điểm giỏi và đảm bảo
an toàn tuyệt đối.
|