AP đưa
tin các kỹ sư của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia của Mỹ đang thiết kế
loại đạn có khả năng tự đổi hướng tới 30 lần trong một giây để găm
trúng mục tiêu với sự dẫn đường của tia laser.
Viên đạn, có chiều dài chừng 10cm, được
gắn một cảm biến quang học ở phần chóp để có thể phát hiện tia laser
trên mục tiêu. Cảm biến quang học gửi thông tin về vị trí của mục tiêu
tới các vi mạch điện tử. Các vi mạch điện tử sử dụng một thuật toán để
điều khiển những bộ dẫn động điện từ. Khi các bộ dẫn động được kích
hoạt, chúng sẽ điều khiển những vảy nhỏ xíu để đưa viên đạn tới mục
tiêu.
Phòng thí nghiệm đã nhận hơn một triệu
USD để nghiên cứu và phát triển đạn mới. Quá trình thiết kế và chế tạo
đã diễn ra trong ba năm qua.
Red Jones, một chuyên gia kỹ thuật của
Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, nói rằng ông và các đồng nghiệp đang
thiết kế 50 viên đạn tự dẫn đường dành cho súng máy. Thách thức lớn nhất
là vi mạch điện tử, bộ dẫn động điện từ và vảy phải đủ nhỏ để có thể
tích hợp vào viên đạn. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hoạt động của đạn
trên mô hình máy tính. Họ cũng đã chế tạo phiên bản đạn đầu tiên và thử
nó trên thực địa.
Do những công đoạn phức tạp nhất đã được
thực hiện, công việc tiếp theo của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia là
hợp tác với một công ty để sản xuất đạn tự dẫn đường và đưa chúng ra thị
trường.
Trong những thử nghiệm đầu tiên, đạn tự
dẫn đường đạt tốc độ tối đa hơn 720m/giây. Nhóm nghiên cứu tin rằng đạn
có thể đạt các tốc độ tiêu chuẩn của quân đội Mỹ với những loại thuốc nổ
thông thường.
Các mô hình giả lập trên máy tính cho
thấy, nếu mục tiêu cách người bắn hơn 800m, đạn bình thường có thể bay
chệch mục tiêu tới gần 9m. Với khoảng cách tương tự, đạn tự dẫn đường
chỉ bay chệch mục tiêu dưới 20cm.