Trình diễn công nghệ rà phá bom mìn
Chiều ngày 24/11, tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nhiều hãng công nghệ đã giới thiệu các công nghệ và thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến.
Tại Hội thảo và trình diễn công nghệ - trang thiết bị rà phá bom mìn tiên tiến lần này, nhiều hãng công nghệ hoạt động trong lĩnh vực dò tìm vật nổ sau chiến tranh nổi tiếng thế giới như Vallon, Rofi, Ebinger, MineLab... Các thiết bị này hứa hẹn sẽ giúp tăng tốc độ giải phóng đất đai, tiết kiệm công sức của nhân viên rà phá bom mìn.

Sau chiến tranh, tình trạng ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Với điều kiện đặc thù của đất nước ta, việc khắc phục hậu quả còn rất chậm chạp. (>> chi tiết)

Trong đó, sự lạc hậu về công nghệ rà phá là một nguyên nhân lớn. Thêm vào đó, mỗi hãng công nghệ cũng chỉ tập trung thiết kế, chế tạo các các thiết bị dò tìm đặc thù chứ chưa thể đưa ra một công cụ mang tính "vạn năng". Trong ảnh, máy dò này không thể tìm mìn mà chỉ phát hiện được các vật nổ là trái đạn.

Phân biệt dị vật với vật nổ, phát hiện vật nổ có lớp vỏ làm từ vật liệu phi kim luôn là bài toán hóc búa của các nhà công nghệ. Có những loại vật nổ như bom bi, sau một thời gian bị phân hủy thì lớp vỏ tách làm đôi, không còn nguy hiểm nhưng do nằm dưới lòng đất rất khó nhận biết tình trạng khiến các nhân viên rà phá buộc phải xử lý, khiến thời gian giải phóng đất đai bị kéo dài. Một dị vật nữa có thể gây thêm khó khăn khi dò tìm bom mìn là các vật thể không nguy hiểm nhưng phát từ tính mạnh. Trong ảnh, một chuyên gia nói về "bài toán dị vật".

Một số hãng đang cố gắng ứng dụng công nghệ dò tìm tiên tiến nhất dựa vào vật liệu của vật nổ để giải "bài toán dị vật". Theo đó, các máy dò thế hệ mới có thể bỏ qua bom bi bị vỡ, giúp tăng tốc độ rà phá lên gấp 5 lần. Trong ảnh, một chuyên gia đang trình diễn khả năng phân biệt đồng, thép và nhôm của một máy dò tìm.

Hiện, một số hãng công nghệ như Vallon của Đức, đang tích hợp 2 công nghệ radar xuyên đất và đầu dò từ tính vào cùng một máy dò để tối ưu hóa hoạt động dò tìm.

Nhằm tới các khu vực bị ô nhiễm bom mìn trên thế giới, nhiều hãng sản xuất đã chế tạo các thiết bị có phần mềm hiện thị bằng ngôn ngữ địa phương, trong đó có Việt Nam. Trong ảnh là giao diện làm việc với máy dò tìm của hãng Ebinger.

Ngoài các thiết bị dò tìm, các hãng công nghệ còn giới thiệu các trang phục bảo hộ như áo giáp, kính bảo vệ mắt, mũ bảo hộ ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro gặp phải trong quá trình dò tìm, rà phá. Có mặt bảo hộ được làm từ 2 lớp kính để bảo vệ nhân viên rà phá bom mìn. 

Trong ảnh, đại diện hãng Rofi trình diễn khả năng linh hoạt của áo giáp bảo hộ. Nhờ kết cấu mô đun, người mặc bộ áo này có thể thực hiện các thao tác một cách thoải mái hơn. Bộ áo được may từ vải dumex, đáp ứng tiêu chuẩn NATO 3 thường được dùng làm áo giáp cho cảnh sát chống bạo động.

Các nhà thiết kế còn lưu ý bộ áo này làm có khả năng thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo chống mảnh văng có tốc độ 450m/giây.

Cuộc trình diễn giới thiệu công nghệ thu hút sức quan tâm đặc biệt của các cán bộ, chiến sĩ công binh Việt Nam, những người trực tiếp tham gia hoạt động rà phá bom mìn, giải phóng đất đai.

Nhiều đơn vị thực hiện ghi hình, quay phim và đặt câu hỏi trao đổi với các nhà công nghệ.

Cuối buổi trình diễn, các đại biểu tham dự tìm hiểu thiết bị một cách trực quan.

Các đại biểu thử nghiệm các thiết bị trên một bãi đất trống có chôn sẵn vỏ đạn, mìn chống tăng, mình chống bộ binh.

(Nguồn: Theo Đất Việt )