Phần mềm giúp phi công hạ cánh tốt hơn
Hải quân Mỹ đang phát triển một phần mềm điều khiển bay mới cho phép phi công hạ cánh chính xác hơn trên tàu sân bay.

Khoảng 50% các hỏng hóc đối với các tiêm kích trên hạm là do tai nạn trong quá trình hạ cánh, thậm chí có những tai nạn nghiêm trọng khiến phi công và hướng dẫn viên trên tàu thiệt mạng. Điều đó đã thôi thúc Hải quân Mỹ phát triển một phần mềm điều khiển bay mới giúp giải quyết vấn đề nan giải này.

Theo đó, phần mềm điều khiển bay mới sẽ bắt đầu được thử nghiệm vào năm 2012, chương trình được tài trợ bởi Văn phòng nghiên cứu Hải quân ONR.


Phần mềm mới tạo điều kiện cho các tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay hạ cánh với độ chính xác chưa từng có.


Michael Deitchman, Phó giám đốc Văn phòng nghiên cứu Hải quân cho biết: “Chúng ta sẽ cải thiện đáng kể độ chính xác khi hạ cánh trên boong tàu trong tương lai”. Phần mềm được thiết kế với các thuật toán mở giúp điều khiển các chuyến bay tốt hơn và có tiềm năng để thay đổi trong khoảng 50 năm tiếp theo.

Việc hạ cánh trên tàu sân bay sẽ trở nên dễ dàng hơn với phần mềm điều khiển bay mới. Ảnh minh họa

Việc hạ cánh trên boong tàu sân bay là một công việc vô cùng phức tạp và đòi hỏi phi công phải có nhiều kinh nghiệm để xử lý tình huống.

Phi công phải liên tục điều chỉnh tốc độ, độ nghiêng của máy bay so với mặt boong, bánh đáp, độ cao của máy bay so với boong nhằm lựa chọn một điểm chạm bánh đáp thích hợp nhất.


Trong điều kiện biển động, boong tàu liên tục lắc lư, trong đêm tối, việc hạ cánh càng khó khăn hơn. Phi công phải liên tục nhìn vào bộ đèn chiếu sáng, thường được gọi là
thấu kính Fresnel, nó báo hiệu cho phi công biết họ đang ở quá cao hay quá thấp so với mặt boong.

Đa phần phi công phải dựa vào kinh nghiệm của mình thông qua sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên trên mặt boong.


Khả năng của phần mềm mới


Phần mềm điều khiển bay mới được nhúng các thuật toán điều khiển mở giúp phi công kiểm soát chuyến bay và hạ cánh chính xác hơn trên boong tàu.


Phần mềm kết hợp với hệ thống đèn báo hiển thị đường băng trên boong tàu, hiển thị lên màn hình HUD trên buồng lái, liên kết trực tiếp với thanh điều khiển HOSTA.


Phần mềm kết hợp các cảm biến đo tốc độ gió, tốc độ của máy bay, độ cao so với mặt boong, độ lắc lư của mặt boong nhằm tính toán góc tiếp cận hợp lý nhất thông qua bản đồ mô phỏng trên màn hình HUD.


Thay vì phi công phải liên tục thay đổi quỹ đạo bay gián tiếp thông qua sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên, họ chỉ cần nhìn vào đường chấm chấm màu xanh lá cây trên màn hình HUD hiển thị trên khu vực hạ cánh đã được phần mềm tính toán sẵn.


James Buddy Denham, kỹ sư cao cấp dẫn đầu chương trình nghiên cứu cho biết: “Nó giống như một trò chơi mô phỏng video, bạn đang theo dõi hình ảnh ổn định về điểm hạ cánh, với một hướng dẫn tham khảo về đường bay và máy bay biết được những gì nó cần phải làm để hạ cánh chính xác nhất”.


Phần mềm đã được tích hợp vào một chiếc tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet để tiến hành thử nghiệm mô phỏng hạ cánh. Các thử nghiệm mô phỏng nhằm thiết lập các dữ liệu để giảm khối lượng công việc cho phi công. Một khi có được kết quả mô phỏng, các kỹ sư sẽ áp dụng các thuật toán chính xác nhất để phát triển thành phần mềm hoàn chỉnh trang bị cho máy bay.


Nếu thử nghiệm thành công, phần mềm mới sẽ được tích hợp vào các máy bay hiện tại và tương lai. Phần mềm được kỳ vọng sẽ thay đổi cách mà phi công hạ cánh xuống tàu sân bay.


Tăng độ chính xác khi hạ cánh trên tàu sân bay sẽ làm giảm đáng kể những tai nạn xảy ra khi hạ cánh, giảm yêu cầu đào tạo cần thiết về kỹ năng hạ cánh trên tàu sân bay, giảm chi phí bảo dưỡng máy bay nhất là các hỏng hóc gây ra do quá trình hạ cánh không chính xác, kéo dài tuổi thọ của máy bay...

(Nguồn: Theo Đất Việt )