Bước ngoặt X-47B
HQ Mỹ định đưa UAV trinh sát - tiến công vào năm 2018. Đây sẽ là UAV đầu tiên trong lịch sử có khả năng độc lập hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu.

Ngày 4/2/2011, máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) trên hạm X-47B do Northrop Grumman phát triển cho Hải quân Mỹ đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dài 29 phút tại Căn cứ Edwards (California). Máy bay đã bay lên độ cao 1.524 km, tốc độ trung bình 240,76 km/h, tốc độ tối đa 537 km/h.

Sau đó, X-47B đã hạ cánh tại trên đường băng tương ứng với vị trí cáp hãm đà số 1 trên boong tàu sân bay. Báo chí Mỹ đánh giá cuộc thử nghiệm là thành tựu nổi bật, mở ra một chương mới trong lĩnh vực hàng không.

Đây được coi là bước ngoặt, giống như chuyến bay đầu tiên do Eugene Ely thực hiện từ boong tàu tuần dương USS Birmingham ngày 14/11/1910.

J-UCAS và N-UCAS

Năm 2000, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố bắt đầu phát triển UCAV trong khuôn khổ chương trình J-UCAS với sự tham gia của các tập đoàn Northrop Grumman và Boeing. Northrop Grumman ngay từ đầu tập trung vào các UCAV trang bị cho tàu sân bay, còn Boeing tập trung vào UCAV cho Không quân Mỹ.

Mỹ đã chi gần 4 tỷ USD cho việc nghiên cứu, chế tạo các UCAV này. Mẫu X-45 của Boeing thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5.2002, X-47A Pegasus của Northrop Grumman vào tháng 2/2003. Song chương trình hao tiền tốn của này cuối cùng bị dẹp bỏ vào năm 2006.

Không từ bỏ ý tưởng chế tạo UCAV trên hạm, Hải quân Mỹ phát động chương trình mới N-UCAS.

Năm 2007, Northrop Grumman nhận được hợp đồng của Hải quân Mỹ trị giá 636 triệu USD để phát triển X-47B theo chương trình UCAS-D và đã xuất xưởng 2 Х-47B.

Ngày 19/3/2010, Hải quân Mỹ công bố mở cuộc đấu thầu chế tạo UCAV trinh sát-tiến công trên tàu sân bay với các điều kiện khó khăn hơn.

X-47B cất cánh từ sân bay căn cứ Edwards.

Theo đó, UCAV phải có khả năng mang vũ khí, khí tài trinh sát và bay liên tục trong 11 - 14 giờ, bắt buộc phải có khả năng tàng hình, tiếp dầu trên không và tiếp dầu cho các UAV khác. Vũ khí phải bao gồm bom có điều khiển JDAM (Joint Direct Attack Munition). UCAV phải có khả năng lắp đặt vũ khí laser và vũ khí vi ba sau này.

Cạnh tranh với X-47B trong cuộc đấu thầu này là các UCAV Sea Avenger của General Atomics và không loại trừ là cả Phantom Ray của Boeing.

Hướng mới trong tác chiến đường không

Các chuyên gia Mỹ đánh giá X-47B và có khả năng đối đầu với phòng không của bất kỳ quốc gia nào và là loại máy bay không người lái hoàn thiện nhất hiện nay.

X-47B được thiết kế để triển khai trên tàu sân bay và thực hiện các nhiệm vụ tiến công chiến thuật chống mục tiêu trên biển và mặt đất, trinh sát tác chiến điện tử, tiếp dầu trên không.

X-47B có sơ đồ thiết kế kiểu “cánh bay”, gần giống với máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, ứng dụng công nghệ tàng hình và có kích thước tương đương các tiêm kích trên hạm của Hải quân Mỹ với chiều dài 11,63m, sải cánh 18,9m.

Máy bay được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-220U, cho phép đạt tốc độ khoảng 540km/h; cự ly bay không được tiếp dầu trên không là 3.889km trong hơn 6 giờ bay.

Máy bay có một khoang trong thân chứa khí tài trinh sát, tên lửa và bom điều khiển. X-47B có cơ hội thắng thầu lớn hơn vì nhiều ưu điểm hơn hẳn các đối thủ.
 
X-47B ngay từ đầu được thiết kế là để sử dụng trên tàu sân bay, chứ không phải là cải tạo lại một mẫu có sẵn theo yêu cầu của Hải quân Mỹ. Máy bay đã được cài đặt phần mềm mới U4.4 thay cho U4.3; đồng thời có độ ổn định tốt trước tác động của gió mạnh và trên mặt boong trơn.

X-47B sẽ có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu liên tục trong 2 - 4 ngày/đêm nhờ được lắp hệ thống tiếp dầu tự hoạt do Northrop Grumman phát triển và bắt đầu thử nghiệm từ tháng 6.2010. Hệ thống này cho phép X-47B tự động nhận tiếp dầu và tiếp dầu cho các UAV khác.

Đặc biệt, X-47В có khả năng hoàn toàn độc lập thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, kể cả việc sử dụng vũ khí. Sau khi X-47B lăn bánh ra mặt boong tàu sân bay, người điều khiển sẽ dùng chuột máy tính  gửi các lệnh cho máy bay như chạy trên đường băng, bật/tắt động cơ, cất cánh, hạ cánh, lựa chọn điểm đến, các thao tác cơ động và các hành động khác.

Thực tế, người điều khiển sẽ chỉ điều khiển máy bay trước khi cất cánh, còn sau đó X-47В độc lập thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở chế độ im lặng vô tuyến và quay về căn cứ. Nhờ vậy, một phi đoàn hàng trăm chiếc X-47B trên tàu sân bay thì chỉ cần 10 nhân viên điều khiển. Hơn nữa, người điều khiển sẽ không phải phải qua khóa huấn luyện bay.

Sau chuyến bay ra mắt thành công ở căn cứ Edwards, chiếc X-47B số hiệu 168063 (mẫu chế thử AV-1) được chuyển đến căn cứ hải quân Patuxent River ở Maryland để tiếp tục thử nghiệm.

Ở giai đoạn đầu, máy bay sẽ bay 1 lần/ tuần, sau đó 2 lần/tuần. Tổng cộng thực hiện 50 chuyến bay. Nếu việc thử nghiệm tiến triển tốt đẹp, X-47B sẽ bắt đầu thử nghiệm trên tàu sân bay vào năm 2013. Hải quân Mỹ có thể nhận X-47B vào trang bị sau khi hoàn tất thử nghiệm vào năm 2018.
(Nguồn: Theo ĐấtViệt )